HÀNH TRÌNH ĐÃ QUA NĂM 2019/5/29:
#150 Hành Trình ngày 30/05/2019 – 365 ngày: Sống là do ở ưu hoạn cần lao, chết là do ở yên nhàn cật lạc
8 “không” giúp cuộc sống thêm hài hòa.
Tranh đấu cũng một đời, ung dung tự tại cũng một đời, thế nên sống giàu sang hay nghèo khổ không quan trọng. Quan trọng là sống một đời vui vẻ an lạc, cuối cùng là thản nhiên trước được mất hơn thua của thế gian, ấy mới không uổng một kiếp người.
Không cần thiết ‘Vẽ rắn thêm chân’
Rất nhiều việc vốn đơn giản, nhưng có người chỉ vì ‘vẽ rắn thêm chân’ mà phức tạp hóa vấn đề, làm sự việc rối tung lên, cuối cùng hỏng việc. Thế nên, khi xử lý công việc thì nên hết sức đơn giản hóa, đừng nghĩ cách hiển thị, khoe khoang tài năng, mà chuyên tâm xử lý sự việc thì sẽ thực hiện được tốt hơn.
Đại Đạo chí giản chí dị, nên muôn vạn sự việc trong thế gian đều thuận theo Đạo, đều thuận theo quy luật tự nhiên mà hình thành, phát triển. Khi chúng ta không có cái tâm truy cầu danh tiếng, địa vị, tiền tài, không có tâm lý hiển thị, không bị vướng mắc vào lợi ích cá nhân mà suy nghĩ, mà xem xét vấn đề, chúng ta sẽ biết được quy luật của nó, rồi thuận theo quy luật mà làm, thì nhất cử thành công. Trái lại, ‘vẽ rắn thêm chân’ là hành động trái Đạo, trái quy luật, thì cầm chắc thất bại rồi.
Không nên khinh suất
Đối với quốc gia, dân tộc hay cá nhân đều nên chú trọng an toàn. Việc cá nhân, hay dân tộc, hay của quốc gia cũng vậy, cần thận trọng giải quyết an toàn, chắc chắn. Những việc tưởng chừng đơn giản, dễ như trở bàn tay cũng phải hết sức chú ý, vì chỉ cần khinh suất sẽ lập tức đang thắng chuyển thành bại, đang được biến thành mất, đang lợi chuyển thành hại. Trường hợp nghiêm trọng có thể gây thiệt hại lớn cho quốc gia, cho dân tộc, và có thể hy sinh bản nhân hoặc sinh mệnh của nhiều người.
Không nên thiếu nghị lực
Nếu bạn vô tâm, cơ hội mãi mãi chỉ ở tương lai phía trước, còn như bạn có tâm, cơ hội không đâu không hiện hữu. Nó ẩn mình trong mỗi sự cố gắng không ngừng nghỉ của mỗi người, bất cứ lúc nào cũng có thể nhảy ra, ôm chầm lấy những ai sẵn sàng muốn cất cánh bay lên. Những vận may từ trời rơi xuống đó, thử hỏi có cái nào không phải dành cho người đã chuẩn bị kỹ càng? Với người không ngừng cố gắng, tự mình chính là cơ hội vậy.
Không nên xốc nổi
Làm người thì khi gặp việc khó khăn, xung đột thì không nên tức giận, có tranh chấp cũng đừng nên manh động. Có những lúc trong giao tiếp thì nghe nhiều tốt hơn là nói nhiều. Con người ta mất 3 năm để học nói nhưng mất cả đời để học im lặng cũng là lý do đó. Bậc cao nhân trước khi tức giận thì thường hỏi chính mình: Việc này có đáng để tức giận không? Tức giận và không tức giận thì kết quả sẽ khác nhau như thế nào? Tức giận rồi vấn đề giải quyết có tốt hơn không? Khống chế được thái độ bản thân, ấy chính là người làm chủ; bị thái độ khống chế, ấy lại là người bị dắt mũi. Học được cách bình tĩnh chính là học được cách khống chế tâm thái của mình.
Không nên cưỡng cầu
Người vốn dĩ chính là người, cần gì phải cố ý để làm người. Cũng như một người bình thường cố ý chứng minh mình là người bình thường ắt sẽ thành bất thường. Cuộc đời xưa nay vốn là như vậy, làm người thì có ba cảnh giới: Khi còn trẻ nhìn núi là núi, nhìn sông là sông; đến tuổi trung niên, nhìn núi không phải núi, nhìn sông lại chẳng phải là sông; còn người đến cuối đời thì nhìn núi vẫn là núi, nhìn sông vẫn là sông, đại đạo lấy tự nhiên làm gốc.
Không nên vô tâm
Khi hai người giao tiếp với nhau thì 70% là tình cảm, 30% mới là nội dung. Sống ở đời thì ai cũng mong mình được người khác lý giải, thấu hiểu và chấp thuận. Lý giải, thấu hiểu chính là cho người khác sự tự tôn, là biết đặt mình vào vị trí của người khác. Người có hàm dưỡng khi đối nhân xử thế thì trước tiên liễu giải đối phương, sau mới liễu giải sự việc. Khi hai người đã có thể hiểu nhau thì mọi việc cũng sẽ tất thông, tất thuận.
Không nên tùy tiện đưa ra lời hứa
Lời nói thể hiện khí độ, hành động thể hiện uy tín, vậy nên khi đã hứa mà lại không có hành động thực hiện thì dễ đánh mất đi tín nhiệm từ người khác. Mặt khác một người không giữ lời hứa sẽ khiến người khác nghi kị bởi họ sẽ nghĩ rằng có thể người này có tính cách chểnh mảng hoặc có nhân phẩm chưa tốt không đáng tin, không đáng gửi gắm. Gieo hành động thì sẽ nhận thói quen, gieo thói quen thì sẽ nhận được tính cách, gieo tính cách sẽ nhận được vận mệnh, do đó thói quen tạo nên một người.
Không nên làm việc quá độ
Một người lấy phát tài, nổi danh làm mục tiêu cuộc sống, thì tâm trí ắt thường lo toan bận bịu, khó lúc nào được thảnh thơi. Một người lấy bình an, nhàn nhã làm mục tiêu cuộc sống, thì có thể giản giản đơn đơn, an nhiên tự tại đi hết kiếp nhân sinh. Tranh đấu cũng một đời, ung dung tự tại cũng một đời, thế nên sống giàu sang hay nghèo khổ không quan trọng. Quan trọng là sống một đời vui vẻ an lạc, cuối cùng là thản nhiên trước được mất hơn thua của thế gian, ấy mới không uổng một kiếp người.
Minh Nguyệt biên tập
Comment on “#150 Hành Trình ngày 29/5/2020 – 365 ngày: 8 “không” giúp cuộc sống thêm hài hòa”