Nhân sinh thiên biến vạn hóa, dựa vào sông, sông có thể cạn, dựa vào núi, núi có thể mòn, vậy nên vạn việc đều dựa vào chính mình. Muốn thành công, duy chỉ có nỗ lực đi đôi với nhân phẩm mới là con đường nhanh và bền nhất.
Kể cả nhân tài cũng cần rèn luyện để có được thành công
Leonardo da Vinci là một họa sĩ có tài năng thiên bẩm từ bé nhưng bài học đầu tiên mà Leonardo được người thầy giao cho lại là vẽ một quả trứng gà. Ngày qua ngày, Leonardo vẫn phải vẽ đi vẽ lại những bức họa về quả trứng gà đó.
Cho đến một ngày, ông đã cảm thấy quá chán nản và đến phàn nàn với người thầy của mình rằng: “Vẽ trứng là điều đơn giản nhất trên đời này, đến cả một đứa trẻ con cũng có thể làm được”.
Người thầy ôn tồn trả lời: “Vẽ trứng không hề đơn giản như ta nghĩ, trong 1000 quả cũng không thể tìm ra 2 quả giống hoàn toàn. Thậm chí với một quả trứng, ở những góc độ khác nhau, chúng cũng sẽ trông khác nhau”.
Cậu bé lúc này đã chợt nhận ra ý nghĩa sâu xa từ bài học của người thầy rằng phải trải qua sự khổ luyện đến thuần thục thì mới có khả năng thể hiện được một cách thật chân thực mọi sự vật mình vẽ. Cứ như vậy, Leonardo vẫn miệt mài vẽ trứng và tìm được cách tạo ra sự hoàn hảo: từ ánh sáng, góc độ, đường nét, đến cả biểu cảm cho các bức tranh nghệ thuật của mình và nổi bật trong đó là bức: “Bữa tối cuối cùng.”
Người có tài vì chữ “lười” mà bại
Trong “Tăng Quốc Phiên gia thư” có viết: “Người thất bại không gì ngoài an dật”. Trong lịch sử Á Đông, có Thương Trọng Vĩnh tuổi trẻ là bậc kỳ tài trong những kỳ tài, xuất khẩu thành thơ, được người người ca tụng nhưng vì lười biếng mà Thương Trọng Vĩnh chẳng có được công danh sự nghiệp gì. Chỉ dựa vào hai chữ “thiên bẩm” thì chẳng thể tiến xa, dù người tài xuất chúng vẫn cần nỗ lực vượt trội, không thì chẳng đắc được gì, huống hồ là người bình thường.
Thành công không phải một bước lên mây, mà là nhờ sự cống hiến và tiến bộ từng chút từng chút một. Không có thành quả nào không phải đổ mồ hôi, không vinh quang nào mà không cần phải cống hiến. Có cố gắng thì mới hiểu được áp lực, hiểu được áp lực thì mới tạo nên được những điều lớn lao. Kỳ thực có rất nhiều chuyện không phải làm không tốt, cũng không phải không có thời gian để làm, ai cũng có một ngày 24h không hơn không kém. Nhìn một cách công bằng mà nói, đó là bởi chưa chuyên tâm và không trân quý thời gian.
Như Tăng Quốc Phiên, ông chỉ là một cậu bé với tư chất bình thường so với những anh tài tuấn kiệt lúc bấy giờ thậm chí còn được cho là khờ khạo nhưng ông lại có thể làm nên đại nghiệp, trở thành một nhân vật vĩ đại hơn tất cả so với lớp người cùng thời. Tất cả đều là nhờ vào sự nỗ lực một cách không ngừng nghỉ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác của ông.
Con người khi sống cần phải cố gắng nỗ lực. Nỗ lực không hẳn là để làm nên thành tựu to lớn nào đó, cũng không phải để người khác nhìn vào mà mục đích là làm hết khả năng của mình khiến bản thân cảm thấy hài lòng nhất, từ đó cuộc sống có thêm ý nghĩa. Nỗ lực không hẳn là để thành công, mà mục đích cuối cùng là để thành Nhân. Không thành công chưa hẳn đã tiếc hận; không nỗ lực cố gắng khi mình có thể mới là điều đáng tiếc nhất.
Đường đời luôn có những trắc trở cần vượt qua, không một ai sinh ra đã có tất cả. Nhưng nếu chúng ta có thể biến nỗ lực trở thành trạng thái thường hằng để tinh tấn vươn lên thì sinh mệnh có thể sẽ không ngừng có được hy vọng mới, thay đổi mới; lúc đó nhân sinh của chúng ta cũng sẽ tràn trề sức sống vậy.
Lưu Thủy biên dịch
Theo secretchina
Comment on “#192 Hành Trình ngày 10/7/2020 – 365 ngày: Vạn việc thành bởi cần bại bởi tùy.”