Đại trí thì bao quát, tiểu trí thì phân biệt những cái nhỏ nhặt.
Trong Nam Hoa kinh có một câu chuyện: Xưa có một ông lão nuôi khỉ, bảo chúng: “Ta cho chúng bây sáng ba trái lật, chiều bốn trái. Chúng bây chịu không?”. Chúng đều bất bình. Ông già bèn bảo: “Thế thì sáng bốn trái, chiều ba. Chịu không?”. Chúng đều mừng. Tổng kết lại thì số lượng quả đâu có gì khác nhau, nhưng ông lão đó đã khéo thuận theo bản tính của loài khỉ.
“Luận Ngữ” giảng rằng: “Hòa vi quý, hòa nhi bất đồng“, nghĩa là hòa hợp nhưng vẫn giữ được sự khác biệt; trong đó hòa hợp là dùng hòa khí đối đãi với mọi người bằng một trái tim bao dung và tôn trọng. Bậc đại trí dung hoà, không cố chấp vào ý kiến bản thân, nên bỏ hết thành kiến, theo lẽ trung dung tầm thường thôi.
Mỗi người đều có cá tính riêng, có cả ưu điểm và nhược điểm. Nếu chúng ta có thể dùng hòa khí mà đối đãi người khác, ta sẽ thấy rằng bên cạnh rất những nhược điểm thì người khác cũng có rất nhiều ưu điểm. Hòa khí là chỉ nhìn vào những điểm tốt của người khác và bao dung những mặt chưa được như tính ganh đua, cố chấp, tham lam, ích kỷ trong tính cách của họ. Có như vậy, trong cuộc sống mới có thể bớt đi nhiều những điều không vừa ý. Trong đối nhân xử thế, thì hòa khí chính là mấu chốt để tránh xung đột và giữ mối quan hệ bền vững. Nếu chấp nhặt vào thị phi sẽ chỉ nhận được lao khổ, có thể bao dung mới vẹn cả đôi đường.
Chuyện kể rằng, Lạn Tương Như lập được công lớn nên được phong làm Thượng khanh, địa vị cao hơn đại tướng Liêm Pha. Liêm Pha không phục, nói với các môn khách: “Ta là đại tướng của Triệu, lập bao công lao trên chiến trường. Hắn thì có gì ghê gớm, chỉ dựa vào 3 tấc lưỡi mà lại vượt lên đầu ta. Nếu ta gặp hắn, ta sẽ cho hắn biết tay”.
Chuyện đến tai Lạn Tương Như, ông liền cáo bệnh không vào triều. Một hôm, Lạn Tương Như có việc cùng môn khách ngồi xe đi ra ngoài. Từ xa thấy có xe ngựa của Liêm Pha đi tới, Lạn Tương Như vội bảo người đánh xe rẽ vào một ngõ hẻm để tránh đường. Việc đó khiến các môn khách của Lạn Tương Như để cho rằng ông hèn nhát.
Lạn Tương Như hỏi họ: “Các ông xem, giữa tướng quân Liêm Pha và Tần Vương thì ai có thế lực lớn hơn?”. Mọi người đều nói: “Tất nhiên là Tần Vương rồi”.
Lạn Tương Như nói: “Đúng như vậy. Chư hầu trong thiên hạ đều sợ Tần Vương. Thế mà ta dám mắng thẳng vào mặt Tần Vương, thế thì sao ta lại sợ tướng quân Liêm Pha? Ta chỉ nghĩ rằng, nước Tần lớn mạnh không dám xâm phạm nước Triệu, bởi vì có ta và tướng quân Liêm Pha. Nếu hai người chúng ta bất hoà, nước Tần biết tin, sẽ nhân cơ hội lại xâm phạm nước Triệu. Chính vì điều đó mà ta phải nhún nhường”.
Liêm Pha thì thấy rất hổ thẹn, liền để mình trần, lưng mang roi gai tới nhà Lạn Tương Như nhận tội. Ông nói với Lạn Tương Như: “Tôi là một kẻ lỗ mãng thiển cận, bụng dạ hẹp hòi, lại được ngài rộng lượng như vậy, tôi rất lấy làm hổ thẹn, xin tình nguyện chịu sự trách phạt của ngài”.
Lạn Tương Như vội đỡ Liêm Pha dậy, nói: “Hai chúng ta đều là đại thần của nước Triệu. Tướng quân đã hiểu ra, tôi vô cùng cảm kích, đâu dám nhận lễ của tướng quân nữa”. Hai người đều cảm động rơi nước mắt. Từ đó, họ trở thành bạn bè thân thiết.
Vạn vật trên đời là có âm dương, việc trên đời là có thành có bại, đời thì có phúc có họa, người cũng có ưu và nhược. Đời người đại đa số khó mà tránh được gặp những việc không ưng. Thay vì bất mãn hãy thay đổi góc nhìn, ta sẽ thấy trước mắt là cả vùng trời thênh thang.
Khi xưa Huệ tử bảo Trang tử: “Vua Ngụy cho tôi một hột giống bầu lớn để tôi đem trồng. Khi chúng lớn thì tôi phát hiện rằng dùng cả một trái để chứa nước thì nó không đủ cứng để chịu được, khiêng đi sẽ bể; nếu xẻ nó thành nhiều phần thì lại nông quá, không chứa được bao nhiêu. Thành thử tuy nó lớn mà vô dụng, cho nên tôi đã đập bỏ.
Trang tử bảo: “Vậy là ông vụng rồi. Một người nước Tống chế được một thứ thuốc bôi ngón tay cho khỏi nứt nẻ. Gia đình người đó đời đời làm công việc đập lụa. Một người lạ hay tin, lại trả một trăm đồng tiền vàng để mua phương thuốc.
Người nước Tống kia họp cả họ lại bàn rằng: ‘Chúng ta đời đời đập lụa, chỉ kiếm được vài đồng tiền vàng. Bây giờ chỉ trong một buổi có thể thu được một trăm đồng. Nên bán cho họ đi.’ Người lạ kia được phương thuốc rồi, lại thuyết vua Ngô. Lúc đó nước Việt đang gây chiến với Ngô, vua Ngô phong người đó làm tướng. Mùa đông, hai bên thủy chiến với nhau, thủy quân Việt không có thuốc đó nên chân tay nứt nẻ cả mà không chiến đấu được nên đại bại, phải cắt đất cho Ngô, vua Ngô đem đất đó phong cho ông ta.
Cùng dùng một thứ thuốc mà người thì được phong đất, kẻ vẫn phải đập lụa, chỉ vì cách dùng khác nhau. Nay ông có trái bầu chứa được năm thạch, sao không nghĩ cách dùng nó làm một trái nổi để qua sông, hở? Phàn nàn rằng xẻ ra thì nó nông quá, không chứa gì được, chính là vì lòng của ông không thông đạt đấy.”
Biên tập Lưu Thủy
Comment on “#169 Hành Trình ngày 17/6/2020 – 365 ngày: Người trí tuệ có cái nhìn rộng mở, nhờ hòa khí mà khiến việc thông thuận”