Dòng thời gian cứ lặng lẽ trôi đi. Khi cái giá rét lạnh lẽo của mùa đông dần dần tan biến, những nụ hoa dần hé nở, cây cối lại được khoác lên mình chiếc áo xanh non quyến rũ báo hiệu một mùa xuân mới tràn đầy sức sống, tươi vui đang tràn về. Tất cả lại cùng đưa tiễn năm cũ và hân hoan, phấn khởi đón chào một năm mới đang đến với mong muốn cho mọi người, mọi nhà đều được sống trong an lành, hạnh phúc.
Năm mới đến gắn liền với Tết- cái Tết cổ truyền của dân tộc. Đã bao đời nay, Tết trở thành một lễ hội nằm trong niềm mong đợi và không thể thiếu của dân tộc Việt Nam. Những người con đất Việt dù đi đâu, ở đâu thì họ vẫn luôn hướng về cội nguồn. Tết là dịp để mọi người quây quần bên nhau, cùng trao cho nhau những lời chúc chân thành, ấm áp. Trong không khí thật nồng nàn bởi tình xuân lan tỏa Tết Nguyên đán là ngày khởi đầu cho một năm mới! Nguyên là bắt đầu, đán là buổi ban mai. Một năm mới tràn đầy hy vọng và những ước mơ đang đến khiến ta lại nhớ đến một câu thơ Tố Hữu: “Thế là Xuân đến đó cùng ta. Hồn nhiên như bạn cũ vào nhà”.
Bầu không khí của ngày Xuân Việt Nam bao giờ cũng vui tươi, thanh bình, nhẹ nhàng và đầy quyến rũ. Với thiên nhiên là ngàn hoa bừng nở, với con người là những nụ cười. Đã từ xưa rồi, vẫn thế. Những gì khó khăn, vất vả của năm cũ như được dẹp hết, thanh toán hết, để đón chào một năm mới hạnh phúc vào nhà. “Tối ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa. Sáng mồng một, rượu say tuý luý, giơ tay bồng ông phúc vào nhà” (Nguyễn Công Trứ). Trong sự cộng cảm, sự hoà hợp thiêng liêng của mùa Xuân thiên nhiên và mùa Xuân của lòng người, cùng với tấm lòng tưởng nhớ tổ tiên, ngày Tết là ngày hội thăng hoa của văn hoá Việt Nam, là ngày hội của con người hoà hợp với cộng đồng, nó mang đậm nét văn hoá dân tộc sâu sắc và độc đáo! Chưa đến Tết, nhưng sự chuẩn bị cho ngày Tết thì đã có từ trước đó vài ba tháng, thậm chí cả nửa năm. Các nhà xuất bản lo biên soạn những cuốn lịch mới. Các sân bay, nhà ga lo chuyện bán vé Tết cho hành khách. Và ngày Tết càng đến gần thì mấy tiếng “Về quê ăn Tết” là những tiếng quen thuộc được nghe nhiều nhất. Những người làm ăn xa, những người Việt Nam ở nước ngoài đều thấy lòng mình náo nức. Quê hương là hồn nước nằm tĩnh lặng trong mỗi con người. Những người đã xa nhà, xa nước hàng mấy chục năm, trong giấc mơ của mình thường vẫn thấy hiện lên mái nhà xưa, con đường nhỏ và mùi hương hoa Ngâu quen thuộc. Về quê ăn Tết là về với ông bà, cha mẹ, về với những kỷ niệm ngày xưa thơ bé, về với mảnh đất nơi đã sinh ra mình. Ngày Tết Việt Nam là ngày hội của sự đoàn tụ, ấm cúng. Với người Việt Nam mình thì giàu có cũng quý, nhưng quý hơn là một chữ tình, tình làng nghĩa phố, tình cảm anh em. “Không có nhưng giàu, giàu nghĩa, giàu tình, giàu trí tuệ/ Không giàu nhưng có, có làng, có xóm, có anh em”. Trong ý niệm tâm linh của người Việt Nam ta, ai cũng muốn ngày Tết sẽ đem đến mọi sự tốt lành. Người ta chọn người khoẻ mạnh, tài giỏi để xông nhà. Không cứ người lớn, trẻ em cũng được, nhưng phải là những chú bé ngoan ngoãn, thông minh. Rồi giao thừa đi hái lộc, một cành xanh nhỏ mang về nhà với sự cầu mong phước lộc. Bên bàn thờ tổ tiên, một câu đối đỏ: “Tân niên hạnh phúc bình an tiến. Xuân nhật vinh hoa phú quý lai” (Năm mới hạnh phúc bình an đến. Ngày Xuân vinh hoa phú quý về). Những chữ Phúc – An – Vinh – Phú – là những ước mong của mọi người, mọi nhà. Và Tết đến là phải vui, phải đẹp, phải mới! “Tân niên nạp dư khánh. Gia tiết hiện trường xuân” (Năm mới thừa chuyện vui. Tiết đẹp Xuân còn mãi). Người lớn đến trẻ em, năm mới đều diện quần áo mới. Nhà cửa trang hoàng đẹp đẽ để đón Xuân. Không những từng nhà phải đẹp, mà làng xóm cũng phải đẹp, thành phố càng phải đẹp hơn! Các Đoàn nghệ thuật cũng chuẩn bị những đêm diễn đặc sắc. Tiếng trống chèo rộn rã, rồi ca trù, quan họ, và những sân khấu kịch nói đầy tiếng cười! Ngày Tết Việt Nam cũng là ngày hội của hoa xuân! “Mặt đất nơi nào cũng thấy hoa. Mùa xuân chia đến tận từng nhà”. Những hội hoa xuân mở ở khắp nơi. Hàng ngàn, hàng vạn những cành hoa, chậu hoa rực rỡ, như một dòng sông đầy sắc màu chảy về những chợ hoa xuân.
Có đến những chợ hoa ấy, chúng ta mới thấy hết cái vui vẻ náo nhiệt, rộn rã lạ thường của nó. Cả một rừng đào, rừng mai, những dãy quất vàng, rồi Hồng, Cúc, Lay ơn, Thược dược, Vạn thọ, Đồng tiền… Và các loại phong lan bừng nở, không thiếu thứ gì. Người đến chợ hoa cũng tíu tít, hồ hởi ngắm nhìn trò chuyện, nở những nụ cười tươi tắn giữa một rừng hoa, khiến lòng ta bỗng chốc cũng hoá những nhà thơ. “Em đã đẹp, tay lại cầm hoa đẹp. Khiến anh nhìn mãi đến hai lần. Chợ hoa tíu tít quên chiều đến. Hững hờ sao được với mùa Xuân!”. Hoa Xuân là sự hoà nhịp kỳ diệu giữa con người với thiên nhiên. Và người Việt muốn đem cả thiên nhiên vào nhà mình. Ngày Tết, không nhà ai là không có một lọ hoa, một chậu hoa. Người ta nói Hà Nội có bao nhiêu ngôi nhà là có bấy nhiêu cành đào, cũng như phương Nam là những cành Mai, gốc Mai vàng thắm. Rồi cả một rừng Quất xum xuê những chùm quả chín vàng rực rỡ, ẩn hiện sau những chùm lá xanh, tượng trưng cho sự làm ăn thịnh vượng, giàu có. Nhiều loài hoa đẹp của Việt Nam cũng lên máy bay đến những phương trời xa để người Việt đón Xuân. Nhưng không phải chỉ có cái đẹp của hình thức, ngày Tết Việt Nam còn coi trọng vẻ đẹp của tâm hồn, vẻ đẹp của cội nguồn văn hoá. Kiêng nói gở, nói tục, kiêng những lời nói cục cằn, thô lỗ, kiêng cãi cọ nhau làm rông cả năm. “Ngày Xuân anh bước ra đàng. Gặp em ăn nói dịu dàng dễ nghe”. Lời nói tử tế là điệu nhạc của thế gian và ngày Xuân gặp người ăn nói tử tế, dịu dàng như gặp may mắn cả năm.
Cuộc sống vốn chẳng bình lặng, và trong cuộc mưu sinh tránh sao khỏi những va vấp, xung đột. Nhưng bước sang năm mới, con người như muốn quên đi, để đón chào những điều tốt đẹp hơn. Ngày Tết con người muốn được gần gũi nhau hơn, yêu trẻ kính già, tình làng nghĩa xóm, và lòng người hình như cũng rộng mở hơn. Ngày Tết Việt Nam còn là ngày hội của tinh hoa ẩm thực! Chính ngày Tết là dịp để thể hiện nghệ thuật ăn uống tuyệt vời nhất của chúng ta. Ngày xưa là “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây Nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” và “Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết”. Còn ngày nay, đời sống được nâng cao hơn, các món đặc sản ba miền của ngày Tết Việt Nam là cả một cuốn bách khoa toàn thư!
Một người bạn nước ngoài viết: “Tôi đã từng nghe nói về những ngày Tết Việt Nam. Nhưng phải sang đến đây, tôi mới cảm nhận được hết vẻ đẹp văn hoá trong ngày Tết của người Việt. Tôi đã học được một bài học qua cái Tết cổ truyền của các bạn. Và tôi rất thích, hoặc có thể nói là đã bị chinh phục bởi những món ăn tuyệt vời như bánh chưng, thịt đông, giò lụa, nem rán, xôi gấc… trong mâm cỗ Tết của các bạn. Hình như sau mỗi món ăn là một câu chuyện lý thú. Được nếm hương vị thơm ngậy, độ dẻo quánh của chiếc bánh chưng xanh mướt màu lá kia, tôi càng thêm yêu mến đất nước Việt Nam!”.
Ngày Tết Nguyên đán Việt Nam thật là tuyệt diệu, là vẻ đẹp của văn hoá Việt, đúng như một nhà thơ đã viết: “Ai cũng hồn nhiên, ai cũng đẹp Tết đem thân ái đến muôn nhà Chuyện cũ dài dòng xin nhắc lại Chúc nhau Ngày Tết đẹp như hoa!”