Mục lục bài viết:
- Quản lý trong công ty và ra suy xét trước khi ra quyết định
- Phân quyền và giao quyền
- Suy xét kỹ trước khi ra quyết định
- Lãnh tụ lãnh đạo mọi thứ: điển hình vong quốc
Ngày 16/12 (*), tờ Wall Street Journal đăng bài viết với tiêu đề:
‘Phong cách lãnh đạo của Tập Cận Bình: khiến cấp dưới khó xử trong quản lý vi mô’, trong đó đề cập đến việc ông Tập còn quản cả vấn đề… nhà vệ sinh công cộng.
Bài viết nói rằng: “Ít nhất Tập Cận Bình đã đưa ra 6 chỉ thị cho việc bảo vệ sinh thái của một khu bảo tồn thiên nhiên ở tỉnh Thiểm Tây, đã ban hành nhiều hướng dẫn về việc bảo vệ hồ nước ở tỉnh Chiết Giang. Ông cũng từng đưa ra chỉ thị về vấn đề cải thiện… nhà vệ sinh công cộng”.
Điều này khiến người bình thường cảm thấy ngạc nhiên và kỳ lạ. Người ta sẽ đặt câu hỏi ngay cả vấn đề đi vệ sinh của người Trung Quốc, ông Tập cũng quản, vậy thì những vấn đề lớn như: nội chính, ngoại giao, những vấn đề vĩ mô thì ưu tiên như thế nào?
Chuyện quốc gia đại sự ‘muôn đầu nghìn mối’, bối rối ngổn ngang, nếu lãnh đạo quản những chuyện nhỏ nhặt như vậy sẽ mang đến hậu quả gì, và đâu mới là cách lãnh đạo và quản lý hiệu quả?
Nhân chuyện lãnh đạo ĐCSTQ quản lý cả những việc nhỏ nhặt, Giáo sư Chương Thiên Lượng trong chương trình Chính luận thiên hạ đăng ngày 17/12 đã kể những câu chuyện trong lịch sử, từ đó gợi ý cách quản lý và lãnh đạo đúng đắn như sau.
Quản lý trong công ty và ra suy xét trước khi ra quyết định
Phân quyền và giao quyền
Là người am hiểu các vấn đề xã hội, đầu tiên Giáo sư Chương chia sẻ một chút về cách quản lý hiệu quả trong một công ty như sau.
‘Quản lý vi mô’ có tên tiếng Anh là Micro management. Quản lý vi mô là chỉ người quản lý rất nhiều thứ trong phạm vi chuyên môn của mình.
Trong công ty, khi thiết lập cơ cấu quản lý, thì đứng đầu là Hội đồng Quản trị. Hội đồng Quản trị không tham gia vào hoạt động thường ngày của công ty, họ sẽ bổ nhiệm một Giám đốc điều hành – CEO, dưới CEO lại có nhiều đội ngũ quản lý cấp trung ở các bộ phận khác nhau, và những quản lý cấp trung này rất am hiểu chuyên môn của họ.
Do đó khi nhìn vào đội ngũ quản lý công ty, bạn sẽ phát hiện nó là một kiến trúc nhiều lớp, như vậy mới tránh được việc lãnh đạo cấp trên can thiệp quá nhiều vào công việc cụ thể hàng ngày.
Một công ty muốn thành công, họ cần có một đội ngũ cán bộ quản lý cấp trung vững mạnh.
Giáo sư Chương đánh giá, nếu lãnh đạo ôm đồm nhiều thứ, quản những điều nhỏ nhặt như vậy, trên thực tế là chưa biết cách phân công việc của mình theo những cấp độ ưu tiên khác nhau, chưa biết ưu tiên những việc cần xử lý trước.
Cách lãnh đạo đúng đắn là nên phân quyền cho những người am hiểu chuyên môn ở bên dưới, như vậy người đứng đầu có thể dành thời gian nghiên cứu những vấn đề quan trọng. Đây là vấn đề phân quyền.
Còn nói về giao quyền, ‘Sử ký’ có chép một câu chuyện rất có hàm ý về Tôn Vũ với tên gọi: ‘Mỹ cơ diễn trận’, trong đó có một câu nói rất nổi tiếng của ông là: “Tướng ở trong quân, có thể không nghe lệnh vua”.
Khi nghe câu này, ban đầu có thể một số người sẽ thắc mắc, nhưng khi đặt vào chiến trận thì chúng ta thấy đây là điều hợp lý. Trên chiến trường, hỏi ai là người am hiểu cục diện nhất? Không phải vua, cũng không phải các quan cố vấn, mà là vị tướng trực tiếp chỉ huy cuộc chiến đó. Nếu cần ra một quyết định gấp, mà phải hỏi ý kiến của Hoàng đế, có khi cuộc chiến đã kết thúc, và thậm chí vị tướng cùng các binh sĩ đã bỏ mạng chốn sa trường rồi.
Do đó một vị ‘tướng tài’ nên có được cái quyền tự quyết, bởi vì không ai hiểu cục diện hơn người ấy. Chính vì thế mà Chương thứ 3 – Thiên ‘Mưu công’ trong Binh pháp Tôn Tử mới viết rằng: “Tướng giỏi mà vua không kiềm chế thì thắng”, cũng đề cập đến việc giao quyền cho người hiểu rõ cục diện trên chiến trường.
Suy xét kỹ trước khi ra quyết định
Giáo sư Chương có kể thêm một câu chuyện, đó là vào mùa đông năm 2017, để thúc đẩy phát triển hiện đại hoá, thủ đô Bắc Kinh đã khởi động việc ‘dọn dẹp cộng đồng nghèo khổ’. Lý do đưa ra là: ĐCSTQ cho rằng, sở dĩ Bắc Kinh có diện tích lớn cộng với ô nhiễm nghiêm trọng, nguyên nhân là do cộng đồng nghèo khổ này đốt than sưởi ấm, từ đó… gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Với cái cớ như vậy, vài giờ sau khi ra quyết định, lực lượng chức năng cưỡng chế phá dỡ nhà của cộng đồng nghèo khổ ngay trong mùa đông năm ấy, khiến họ không có chỗ để ăn, để ở, để sưởi ấm. Giáo sư Chương nói rằng, dùng ‘tiếng khóc ai oán khắp nơi’ (1) thì hơi quá nhưng hoàn cảnh của những người bị dỡ nhà ấy thật sự rất đáng thương.
Sự việc xảy ra khiến dư luận phản ứng dữ dội, sau đó từ những hình ảnh thảm thương của người công nhân nhập cư (bị đuổi khỏi cộng đồng nghèo) lạnh lẽo đi bộ trên phố với hành lý cồng kềnh đằng sau, cuối cùng hành động cưỡng chế này mới… lặng lẽ dừng lại.
Ở đây thấy rằng khi ĐCSTQ ra quyết định, tổ chức này chưa lường trước được hậu quả, điều này khác với những Thánh quân trong quá khứ. Là một người am hiểu lịch sử, Giáo sư Chương đã kể về câu chuyện của vua Đường Thái Tông về việc ra quyết định như sau.
Đường Thái Tông Lý Thế Dân là một minh quân điển hình trong lịch sử Trung Quốc, ông đã từng nói rằng: “Làm một vị Hoàng đế, mỗi khi ra quyết định đều phải tham khảo cố vấn rộng rãi”. Bởi vì Đường Thái Tông biết rằng nếu một quyết sách hơi không đúng, ví như: dù nó mang lại lợi ích cho 10.000 người nhưng lại làm tổn thương 100 người, và đối với 100 người ấy lại là vấn đề sinh tử, do đó Đường Thái Tông nói rằng khi ra quyết sách phải lắng nghe các ý kiến khác nhau.
Điều này cũng giống như khi đánh trận, nếu chỉ huy hạ lệnh sai lầm có thể khiến hàng chục vạn binh sĩ lâm vào tuyệt lộ. Thành ngữ ‘chỉ thượng đàm binh’ (bàn việc quân trên giấy) chính là nói về việc: mệnh lệnh sai lầm của tướng quân Triệu Quát đã khiến 40 vạn quân Triệu bị quân Tần giết rồi chôn! Mỗi chữ trong thành ngữ trên giống như máu của 10 vạn quân Triệu…
- Xem thêm: Phong vân mạn đàm (Kỳ 67): Triệu Quát ‘bàn việc binh trên giấy’, 40 vạn quân Triệu bại vong
Do đó lãnh đạo tối cao phải có một tấm lòng nhân ái, đồng thời phải mang trong tim sự bao dung rộng lớn để có thể nghe những ý kiến khác nhau.
Lãnh tụ lãnh đạo mọi thứ: điển hình vong quốc
Trong loạt bài lịch sử dài kỳ ‘Tiếu đàm phong vân’, Giáo sư Chương có giảng về Tuỳ Văn Đế, kể rằng ông Hoàng đế khai quốc, hơn nữa ông còn kết thúc thời kỳ hỗn loạn Nguỵ Tấn – Nam bắc triều kéo dài 400 năm từ thời Tam quốc đến trước thời nhà Tuỳ. Do đó Tuỳ Văn Đế là một Hoàng đế vô cùng anh tuấn, uy vũ, quyết đoán.
Ví như ông diệt nước Nam Trần, phân hoá Đột Quyết bằng kế ‘viễn giao cận công’, xây dựng thành Đại Hưng, mở khoa cử v.v. Năm đó chế độ quan lại ‘Tam tỉnh Lục bộ’ (2), toàn bộ thiết kế chế độ cao nhất của nhà Tuỳ bao gồm: quản lý quốc gia, phát triển kinh tế, quan hệ đối ngoại, thống nhất quốc gia, cơ cấu chính phủ v.v. đều do một tay Tuỳ Văn Đế làm, cho nên Tuỳ Văn Đế là còn là người rất có năng lực.
Nhưng câu hỏi đặt ra là: Tại sao nhà Tuỳ đến Nhị Thế (đời thứ hai) là vong quốc?
Sau nhà Tuỳ là đến nhà Đường, Đường Thái Tông Lý Thế Dân đã thảo luận vấn đề này cùng với các đại thần. Vua cùng các đại thần đã thấy rằng: Tuỳ Văn Đế vô cùng chăm chỉ, buổi sáng lên triều, không có thời gian ăn trưa, tức là vừa ăn vừa thảo luận vấn đề với các quan viên, cứ như vậy mà ăn xong, bận đến tối muộn mới hạ triều, chính là bận đến như thế. Tuỳ Văn Đế vừa có năng lực vừa có sức khoẻ, làm việc siêng năng, cẩn thận chu đáo nhưng vì sao lại vong quốc?
Lý Thế Dân mới giải thích rằng, bởi vì hoàng vị của Tuỳ Văn Đế không chính danh, ông ấy đã gạt cháu trai sang một bên để có được ngai vàng. Sau khi làm Hoàng đế, ông vô cùng lo lắng việc mất quyền lực bởi vì ông là ‘quyền thần soán vị’, cho nên ông nắm chặt tất cả mọi thứ trong tay.
Đường Thái Tông nói: “Sự việc quốc gia ‘muôn đầu nghìn mối’, trong một thời gian ngắn làm sao xử lý nhiều việc như vậy, do đó người này sẽ không suy nghĩ được chu toàn. Một việc suy nghĩ không chu toàn, hai việc suy nghĩ không chu toàn, rất nhiều việc suy nghĩ không chu toàn, lúc này quốc gia kết thúc. Bởi vì một cái đầu sẽ không nghĩ ra được tất cả các việc”.
Về phần mình, Giáo sư Chương lấy ví dụ về người tung hứng, họ tung hứng 3 quả cầu thì được, 5 hay 10 quả nữa cũng có thể được, nhưng nếu đưa họ 100 quả thì khẳng định sẽ rơi xuống đất.
Cũng giống như Chu Nguyên Chương, ông cũng rất chăm chỉ. Ông chăm chỉ đến độ, dậy từ 3h sáng, làm việc đến tối muộn, một ngày phải phê duyệt 200 bản tấu chương, 400 việc trong chính phủ. Trong 1 năm, Chu Nguyên Chương chỉ nghỉ đúng… 2 ngày: Mùng Một Tết và ngày sinh nhật. Ông từng làm bài thơ có nội dung:
Bá quan đã ngủ, trẫm chưa ngủ
Bá quan chưa dậy, trẫm đã dậy
Chu Nguyên Chương làm việc đến mức độ như vậy. Sau thời Chu Nguyên Chương xuất hiện ‘Tĩnh Nan chi dịch’ (Trận chiến Tĩnh Nan), người kế vị của ông cũng không giữ được ngai vàng. Vì sao lại như vậy?
Giáo sư Chương giải thích rằng, khi làm một lãnh đạo, người ấy không thể quản lý những chuyện đặc biệt nhỏ nhặt và chi tiết, không thể làm ‘quản lý vi mô’ – Micro manager, suy nghĩ của họ phải đặt ở những vấn đề rất vĩ mô, đồng thời phải lắng nghe các ý kiến khác nhau.
Do đó một vị quân vương hoặc lãnh đạo tối cao tốt trong lịch sử Trung Quốc cổ đại, họ hữu ý thiết lập một số người xung quanh chuyên môn có những quan điểm khác nhau, cũng có thể gọi họ là những người hay ‘can gián’.
Những ‘người can gián’ này có thể không thông minh bằng Hoàng đế, suy nghĩ vấn đề cũng có thể không toàn diện, thấu triệt, nhưng Hoàng đế vẫn cần những ‘người can gián’ như vậy. Khi Hoàng đế luôn nghe những ý kiến khác nhau, như vậy khi họ ra quyết định sẽ không bị thiên lệch. Còn nếu mọi người đều nói: “Hoàng đế anh minh, Hoàng đế anh minh” thì đến khi vong quốc, Hoàng đế cũng không biết vì sao lại như vậy.
Từ đó mọi người có thể thấy rằng những vị minh quân như Đường Thái Tông có những ‘bậc thầy can gián’ điển hình như Nguỵ Trưng, Trữ Toại Lương, Trưởng Tôn Vô Kỵ… Khi có những người như vậy bên cạnh, Hoàng đế ra quyết định sẽ tránh được những sai lầm tai hại.
Mạn Vũ
Comments on “#⭐️ 364 Hành Trình ngày 31/12/2021 – 365 ngày: Phong cách lãnh đạo ‘đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành’ của ông Tập là mầm mống tai hoạ?”