Cửa là điểm tiếp nối giữa trong nhà, trong phòng với không gian bên ngoài. Con người bước qua ngưỡng cửa vào phòng; không khí, ánh sáng cũng vào nhà qua cửa. Của có thể ví như các lỗ giác quan (mắt, mũi, mồm, tai…) trên cơ thể con người. Nói như thế để thấy vị trí quan trọng của việc bố trí cửa trong một ngôi nhà. Cửa mở thuận, đúng cách sẽ làm cho không khí lưu chuyển thuận lợi và ngược lại, nó sẽ cản trở hoặc làm cho không khí lưu chuyển không điều hòa, làm mất quân bình trong ngôi nhà, do đó ảnh hưởng đến người cư ngụ.
Người ta cũng kể rằng, có một thương gia xây ngôi nhà mới trong đó bố trí một cánh cửa ngách và cánh cửa sau phòng khách khi mở ra thì nắm vặn cửa đụng nhau phát ra âm thanh “ken két” như nghiến răng. Kết cục là trong nhà luôn xảy ra những chuyện cãi cọ không đâu. Một nhà phong thủy khuyên chủ nhà lấy băng lụa đỏ buộc vào từng nắm vặn cửa rồi cắt đi một nửa. Sau đó quan hệ trong nhà trở nên hòa thuận hơn.
Xét thấy: Khi nắm vặn cửa chạm nhau sẽ phát ra tiếng kim khí, âm thanh ở tần số cao sẽ gây tác động không có lợi lên não bộ những người sống trong nhà. Lâu dần làm cho thần kinh căng thẳng, vì thế mà sinh bực bội dẫn đến cãi cọ nhau chăng? Chính vì vậy, khi buộc băng vải đỏ vào nắm vặn cửa, thì chúng có va vào nhau cũng không phát ra tiếng “nghiến răng”, thần kinh của người cư ngụ không bị “tra tấn”, dần lấy lại sự cân bằng giúp cho không khí gia đình trở lại hòa hợp?
Quan niệm phong thủy cũng cho rằng, để cho văn phòng và nhà cửa có sự hài hòa, cũng cần tránh tình trạng một hành lang nhỏ lại có nhiều cửa ra vào. Bởi vì, mỗi cửa ở đây là biểu hiện của một cái mồm khác nhau với tiếng nói riêng của nó, nếu cùng chĩa vào hành lang nhỏ sẽ dẫn đến tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt” mà sinh lục đục. Trong trường hợp này, nhà phong thủy khuyên người ta treo gương trên các cửa ra vào, hoặc treo khánh trên cao hoặc mắc đèn… để tránh cho những người cùng sống hoặc làm việc trong ngôi nhà khỏi cãi cọ.
Xét thấy: Việc xảy ra mâu thuẫn, cãi cọ là do tâm tính, sự hòa hợp về tính cách và lối sống của con người ta với nhau, ít liên quan gì đến cửa đi. Có chăng trong trường hơp này, nhiều cửa hàng mở ra một hành lang hẹp sẽ dẫn đến việc người ta thường xuyên phải tiếp xúc, “cọ sát”, với nhau, từ đó mà dễ dẫn đến những “va chạm” không tránh khỏi theo thói thường của con người. Việc trao gương cũng là để tạo cho ảo giác về không gian thoáng đãng, phá vỡ cái thế tù túng của hành lang hẹp; treo đèn là để tăng cường ánh sáng cho hành lang còn việc treo khánh nhạc chưa thấy có cơ sở gì.
Phong thủy cũng cho rằng, nếu có một hành lang dài mà lại đặt một cửa ra vào ở cuối hành lang sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe gia chủ, thậm chí sẽ bị mắc bệnh đường tiêu hóa vì dòng khí di chuyển nhanh thổi hun hút dọc hành lang làm cho người cư ngụ cảm thấy bứt rứt không yên, điều đó tác động vào thần kinh và sự tiêu hóa mà ảnh hưởng đến sức khỏe. Phong thủy cũng cho rằng, cửa đặt cuối hành lang trong trường hợp này có thể cản trở dịp may, sự thăng tiến trong nghề nghiệp, làm ăn, thậm chí có thể gây tử vong và khuyên người ta treo gương trên cửa hay tường để chuyển hướng dòng khí mạnh, tạo tầm nhìn dài hơn, vì thế mà người ta có ấn tượng và hy vọng vào sự thăng tiến.
Kích thước của cửa đối diện nhau
Sau khi xét vị trí để đặt cửa, vấn đề thứ hai mà phong thủy quan tâm là kích thước của cửa trong mối tương quan với môi trường, ngôi nhà và giữa chúng với nhau, nhất là các cửa đối diện với nhau.
Một cửa ra vào lớn hơn cửa đối diện, nó có thể được xem là tốt hay xấu tùy từng trường hợp. Ở đây phải xem xét cụ thể cửa lớn mở vào phòng nào và cửa nhỏ mở vào phòng nào. Có nghĩa là phải xem xét trên cơ sở công năng của các phòng và đặt chúng trong mối tương quan với nhau. Cũng có nghĩa phải xác định được trong hai phòng đó, phòng nào là chính và phòng nào là phụ. Sau khi xác định xong mối quan hệ chính – phụ, nguyên tắc cơ bản ở đây vẫn theo nguyên lý thông thường: chính lớn hơn phụ là tốt, là thuận, là hợp lẽ tự nhiên; ngược lại mà phụ lớn hơn chính là xấu, là nghịch, là trái lẽ thường.
Ngày xưa, nhà của quan phải nhỏ hơn cung vua, ấy là lẽ thường theo đạo quân thần. Nếu làm ngược lại, nhà quan mà lớn hơn cung vua ấy là trái đạo trời, là biểu hiện của sự tiếm quyền, bề dưới lấn lướt trên. Cũng vậy, phòng làm việc của nhân viên bây giờ không thể lớn hơn phòng của “sếp”, đó là điều bình thường.
Trở lại vấn đề đặt cửa, nếu cửa lớn mở vào phòng rộng như phòng khách hoặc phòng ngủ, còn cửa nhỏ hơn mở vào nhà kho hay phòng tắm thì đó là tốt, là hợp cách. Ngược lại, nếu cửa lớn hơn mở vào nhà bếp, nhà kho hay nhà tắm còn cửa nhỏ mở vào phòng ngủ thì rất xấu; vì như vậy “phụ” sẽ lấn “chính”. Theo nguyên lý thông thường “lớn nuốt nhỏ”, ở đây khí của nhà kho, bếp hoặc phòng tắm sẽ thông ra cửa lớn, lấn át, tràn vào phòng ngủ. Như vậy, mọi sinh hoạt ở nhà sẽ bị xáo trộn, không ổn định, giấc ngủ sẽ không tốt, chập chờn hoặc khi ngủ dậy sẽ rất mệt mỏi.
Phong thủy còn cho rằng, nếu cửa mở vào phòng tắm lớn hơn sẽ làm cho người cư ngụ thường phải tiêu phí thì giờ vào những việc không đâu và thường gây ra những bệnh ở vùng bụng. Gia chủ có thể bị những rối loạn về tiêu hóa hay bàng quang, hay có xu hướng đi khỏi nhà và tốn nhiều thì giờ để sửa soạn. Nếu cửa mở vào nhà kho lớn hơn, người trong nhà sẽ có khuynh hướng để nhiều thời gian lo trang điểm. Còn nếu cửa lớn hơn mở vào nhà bếp, người trong nhà sẽ bị ám ảnh bởi sự nấu nướng và đồ ăn thức uống. Để khắc phục tình trạng này, các nhà phong thủy thường khuyên người ta treo một cái gương trên cửa lớn hơn để chiếu vào phòng ngủ.
Xét thấy: Phòng khách, phòng ngủ được coi là phòng chính trong mỗi căn nhà ở. Còn phòng tắm, nhà bếp hay nhà kho được coi là khu phụ. Cửa là nơi nối tiếp giữa không gian trong phòng với thế giới bên ngoài, cũng có thể coi là “bộ mặt” của mỗi ngôi nhà hoặc căn phòng. Theo lẽ thường, chính phải lớn hơn phụ, do vậy cửa mở vào phòng khách, phòng ngủ lớn hơn cửa mở vào phòng tắm, nhà bếp hay nhà kho là hợp lẽ tự nhiên, phù hợp với tiêu chuẩn kiến trúc và trông “thuận mắt”.
Xét thực tế, phòng ngủ, phòng khách thường có diện tích lớn hơn phòng tắm, nhà kho, vì vậy cửa mở lớn hơn cũng bảo đảm cân xứng về tỷ lệ giữa các kích thước, tạo mỹ quan cho căn phòng và cả ngôi nhà. Ngược lại, cửa vào phòng ngủ, phòng khách nhỏ hơn sẽ mất cân đối, làm mất mỹ quan ngôi nhà. Phòng ngủ, mà nhất là phòng khách cần tạo được không gian rộng rãi, thoáng đãng, vì vậy cửa phải mở lớn. Còn nhà kho, phòng tắm với công năng đặc biệt của mình lại cần sự kín đáo, an toàn, vì vậy phải mở cửa nhỏ. Còn nói rằng nếu cửa mở vào phòng tắm lớn hơn làm cho người trong nhà dễ bị bệnh vùng bụng là theo cách suy luận của phong thủy. Điều này ít có cơ sở, có chăng nếu cửa phòng tắm lớn, không khí kém trong lành của phòng này sẽ tràn ra ngoài, vào phòng ngủ gây ô nhiễm mà tổn hại đến sức khỏe của người trong nhà chăng?