HÀNH TRÌNH ĐÃ QUA NĂM 2018:
Hành Trình 170 ngày 19/6/2018 – 365 ngày.
12 câu chiêm nghiệm cuộc sống đáng lưu tâm.[......]
Có sư Phụ là điều hạnh phúc nhất. Ân đức của thầy cả đời không thể quên
Khi Khổng Tử tạ thế, học trò của ông đều để tang thầy ba năm, riêng Tử Cống dựng nhà cạnh mộ thầy mà ở, thành tâm tưởng nhớ cúng bái, chăm nom bảo vệ tới sáu năm. Ông là tấm gương về tấm lòng tôn sư trọng đạo được người đời sau lưu truyền.
Tử Cống họ Đoan Mộc, tên Tứ, là người nước Vệ cuối thời Xuân Thu. Tử Cống thiên bẩm hiếu thảo hiền từ, thông minh tài trí, ba tuổi đã biết phân biệt người thiện ác. Năm mười bảy tuổi, khi đi chơi ở nước Lỗ và được nghe Khổng Tử giảng đạo ở Khuyết Lý, Tử Cống trong tâm nhất mực kính phục xin bái Sư. Tử Cống thông tỏ đạo lý, lòng dạ trong sáng, ngôn từ thiện lương, giỏi về ngoại giao, từng làm tể tướng hai nước Lỗ và Vệ, cả cuộc đời ông hết lòng thực hiện, truyền bá và bảo vệ học thuyết của Khổng Tử. Đức Khổng Tử rất yêu mến ông, so sánh ông với tấm liễn thờ trân quý trong miếu đình.
Tôn kính, ngợi ca sư phụ
Một lần, Tề Cảnh Công hỏi Tử Cống về đức hạnh tài năng của Khổng Tử. Ông lập tức trả lời: “Thánh nhân dã, khởi trực hiền tai”, có nghĩa Khổng Tử không chỉ là một nhà hiền triết, mà còn là bậc Thánh nhân. Sau đó ông tán dương Khổng Tử:
“Tứ này suốt đời đội trời mà không biết trời cao bao nhiêu; suốt đời đạp đất mà không biết đất dày bao nhiêu. Tứ này theo Ngài Phu Tử, cũng y như kẻ khát nước đem gáo, đem bình ra sông, ra bể để múc nước uống. Uống no bụng rồi đi, mà chẳng biết sông, biển sâu là bao nhiêu”.
Tề Cảnh Công lại hỏi: “Tiên sinh khen ngợi như vậy, e rằng hơi quá mức không?”
Tử Cống đáp: “Những từ ngữ thần so sánh Khổng Phu Tử với Thái Sơn, chẳng qua chỉ giống như thêm hai nắm đất đắp vào núi; ngược lại dù bất cứ người nào muốn làm tổn hại danh tiếng của Phu Tử, chẳng qua cũng giống như dùng tay đào vứt bỏ hai nắm đất khỏi núi mà thôi, tất cả đều không làm giảm đi độ cao hiển nhiên của núi”.
Khiêm tốn, hiếu học, vận dụng những điều học được từ thầy vào cuộc sống
Trong “Luận Ngữ – Công Dã Tràng” có ghi chép câu chuyện: Có lần Khổng Tử hỏi Tử Cống, ý tứ là giữa Tử Cống và Nhan Hồi ai ưu tú hơn? Tử Cống thưa: “Tứ này sao sánh với Hồi! Hồi nghe một biết mười. Tứ này nghe mười biết một, hai mà thôi”. Qua đây cũng có thể hiểu được phẩm chất khiêm tốn của Tử Cống. Tử Cống thích ca ngợi, nhìn vào phẩm chất tốt đẹp của người khác, đã từng xưng tụng Nhan Hồi: “Người có thể sớm khuya tụng đọc sùng kính lễ, thực hành không tái mắc lỗi, nói năng không vô ý, cẩu thả, thì chỉ có Nhan Hồi”.
Tử Cống cũng là người hiếu học, ham hỏi. Trong “Luận Ngữ” phần hỏi đáp giữa Khổng Tử và các đệ tử, ông là người hỏi nhiều nhất. Những nội dung ông thường hỏi là việc đối nhân xử thế bên ngoài, như nhân đức, chính trị, bằng hữu, trí sĩ, quân tử… tất cả đều được Khổng Tử giải đáp rõ ràng.
Khổng Tử từng nói: “Bất học thi vô dĩ ngôn”, nghĩa là không đọc Kinh Thi thì biết lấy gì để nói. Khổng Tử không những yêu cầu học trò của mình hiểu được ý nghĩa ban đầu của Thi, mà còn yêu cầu họ có thể ứng dụng trong từng trường hợp cụ thể. Về phương diện này Tử Cống làm được rất tốt, không những có thể lĩnh hội sâu sắc mà còn có những lý giải vô cùng độc đáo và từng được thầy mình khen ngợi.
Thầy Tử Cống nói: “Nghèo mà không nịnh hót, giàu mà không ngạo mạn, như vậy là thế nào?”
Đức Khổng Tử nói: “Khá đấy. [Nhưng] chưa bằng nghèo mà vui, giàu mà ưa thích điều lễ”.
Thầy Tử Cống nói: “Kinh Thi rằng: ‘Như cắt như chạm; như giũa như mài’. Cũng có nghĩa như thế ư?”
Đức Khổng Tử nói: “Này Tứ, thật khá là người đầu tiên đáng nghe nói về Kinh Thi. Mới nói về việc trước mà đã biết việc sau”.
(Trích Luận Ngữ – Học Nhi)
Ở đây, câu ‘Như cắt như chạm; như giũa như mài’ muốn nói tới người quân tử thường xuyên rèn tập đức hạnh để tiến lên bậc hiền Thánh, cũng như người thợ ngọc hàng ngày chăm chỉ cắt chạm, giũa mài tạo nên những viên ngọc quý.
Tử Cống trí lớn, biết vận dụng những điều mình học vào cuộc sống. Vào thời Lỗ Ai Công, Khổng Tử nghe nói Điền Thường ở Tề Quốc muốn xuất binh tấn công nước Lỗ, liền triệu tập học trò bàn kế sách cứu nước Lỗ. Khổng Tử nói: “Lỗ là phụ mẫu quốc, nước nhà đang lâm nguy, trong các con ai có thể xuất hành đi xứ?” Những học trò của ông có nhiều người xin đi, cuối cùng ông chọn Tử Cống xuất hành. Tử Cống phụng mệnh đi xứ tới năm nước Tề, Lỗ, Ngô, Việt, Tấn, thuyết phục Điền Thường, lại khiến quốc quân bốn nước tiếp thu chủ trương của ông, một hành động mà có thể tác động tới chính trị của năm nước, cứu nguy cho nước Lỗ và hoàn thành xuất sắc sứ mệnh. Trong “Sử ký” có bình luận về chuyện này như sau: “Tử Cống hễ xuất, làm cho Lỗ tồn tại, làm loạn Tề, phá Ngô, làm Tấn thành hùng mạnh và khiến Việt xưng bá; Tử Cống hễ làm, liền tương phá tình hình, trong mười năm, năm quốc gia thay đổi”.
Cứ mỗi lần Khổng Tử gặp nguy nan, hiểm ác, Tử Cống thường đứng ra dũng cảm túc trí giúp thầy giải nguy. Năm thứ sáu Lỗ Ai Công, Khổng Tử dẫn theo đệ tử đi chu du các nước, giữa đường cạn kiệt lương thực, tình hình vô cùng nguy cấp, liền cử Tử Cống tới nước Sở. Nhận nhiệm vụ trong tình cảnh lâm nguy như vậy, không những ông có thể mang lương thực từ nước Sở về mà còn khiến Sở vương dẫn binh tới đón Khổng Tử vào nước Sở để thầy trò thoát khỏi nguy khốn.
Bảo vệ thanh danh cho sư phụ
Tử Cống luôn giữ gìn bảo vệ danh dự cho thầy mình, không cho phép bất cứ ai phỉ báng nói xấu. Một lần chú của đại phu Thúc Tôn Vũ nước Lỗ hạ thấp Khổng Tử và đề cao Tử Cống. Ông rất tức giận mà đáp: “Chút học vấn bản lĩnh của tôi chẳng qua chỉ giống như bức tường thấp trong một căn nhà, nhìn một cái là tới tận cùng, còn bản lĩnh học vấn của Khổng Phu Tử giống như vô số bức tường nguy nga tráng lệ trong tông miếu, bên ngoài không thấy cửa, vào trong cũng không tìm thấy”.
Vài ngày sau, chú của Thúc Tôn Vũ lại phỉ báng Khổng Tử, Tử Cống khuyên ông ta đừng làm như vậy. Tử Cống nói: “Ông làm như vậy không ích gì đâu, Phu Tử là không thể phỉ báng được. Hiền đức của người khác giống như đồi núi, có thể vượt qua được. Hiền đức của Phu Tử giống như mặt trời và mặt trăng, không cách nào có thể vượt qua. Mặc dù một số người muốn đoạn tuyệt với ngày tháng, nhưng điều đó không gây tổn hại gì tới ngày tháng cả, điều đó chỉ cho thấy anh ta không tự biết lượng sức mình mà thôi”.
Cách nói không đúng đắn của một số người khác cũng đều được Tử Cống góp ý. Trần Tử Cầm là một học trò của Khổng Tử, nhưng luôn hoài nghi về thầy mình. Một lần, ông ta hỏi Tử Cống: “Học vấn của Phu Tử là từ đâu? Người chu du liệt quốc, tìm hiểu chính sự các nước, là thỉnh cầu người ta nói ra, hay người ta chủ động nói?”
Tử Cống đáp: “Đạo nhân nghĩa của Văn Vương, Võ Vương lưu truyền trong thế gian, người có đức hạnh tài năng biết được nội hàm của nó, người thiếu đức hạnh chỉ biết được bề ngoài. Đạo nghĩa công lý không chỗ nào không có mặt, Phu Tử ở đâu mà không thể học hỏi chứ. Cách người hỏi thăm thông tin cũng không giống như người bình thường. Người dựa vào những mỹ đức như ôn hòa, thiện lương, kính cẩn, giản dị, khiêm nhường để có được”.
Trần Tử Cầm lại hỏi: “Ngươi có ý biểu hiện rất tôn kính Phu Tử, phải chăng Người đức hạnh tài năng hơn ngươi sao?”
Tử Cống đáp: “Một câu của người quân tử có thể biểu hiện tầm nhìn xa trông rộng, một câu cũng có thể biểu hiện sự không sáng suốt, nói lời không thể không thận trọng. Thầy của chúng ta là không gì có thể so sánh được, đức hạnh của Người cao vời vợi, giống như bầu trời không thể có nấc thang cho người ta leo lên”.
***
Tôn sư trọng đạo là một mỹ đức tốt đẹp truyền thống của văn hóa Á Đông, ân đức của thầy là cả đời không thể quên. Thầy được tôn trọng, thì những đạo lý, kiến thức và kỹ năng, tài năng của thầy cũng mới được tôn trọng. Tử Cống luôn ghi nhớ những lời giáo huấn của Khổng Tử, lòng ôm chí lớn tề gia trị quốc, cứu giúp thiên hạ, lưu danh hậu thế.
Chúng ta hôm nay không dễ mà tìm được một minh sư, nhưng cái tâm hiếu học cầu đạo của Tử Cống thì nhất định phải có. Cổ nhân có câu rằng: “Sư phụ tìm đồ đệ”, biết đâu cơ duyên sẽ dẫn chúng ta đến với một vị thầy cao đức?
Theo Minh Huệ Net