Mỹ Tho là đô thị loại I và là tỉnh lỵ của tỉnhTiền Giang từ năm 1976 đến nay (trước đó là tỉnh Mỹ Tho).
Vùng đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam. Vào thế kỷ 17, Mỹ Tho cùng với Cù Lao Phố, Biên Hòa là trong 2 trung tâm thương mại tấp nập nhất Nam Bộ. Dân số của thành phố Mỹ Tho vào khoảng 224.000 người (năm 2016). Dân tộc Kinh chiếm đa số, và có người dân tộc Hoa, Chăm và Khmer cùng chung sống.
Mỹ Tho nổi tiếng với món ăn đặc sản Hủ tiếu Mỹ Tho. Du lịch Mỹ Tho với chèo thuyền ven sông Mỹ Tho, tham quan Chùa Vĩnh Tràng.
Công nhận thành phố Mỹ Tho là đô thị loại I
TTO – TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang vừa tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP Mỹ Tho là đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Bà Tòng Thị Phóng, ủy viên Bộ Chính trị, phó chủ tịch Quốc hội, đã về dự và phát biểu chúc mừng.
Theo ông Nguyễn Văn Hồng, chủ tịch UBND TP Mỹ Tho, TP Mỹ Tho có lịch sử hình thành hơn 335 năm.
Lúc mới hình thành, Mỹ Tho là một trong hai đô thị lớn nhất Nam bộ và lịch sử hình thành của thành phố này gắn bó mật thiết với lịch sử hình thành Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện nay, TP Mỹ Tho là đô thị ven sông Tiền, có quy mô 11 phường nội thành, 2 phường dự kiến thành lập mới (Bình Tạo, Thạnh Mỹ) và 6 xã ngoại thành với dân số 224.018 người, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 85 triệu đồng/người/năm.
Từ TP Mỹ Tho có thể kết nối trục đường bộ với hai vùng trọng điểm kinh tế nói trên qua trục QL1 tại ngã ba Trung Lương, kết nối với TP.HCM ở phía đông qua QL 50 (cầu Mỹ Lợi), kết nối với Bến Tre – Trà Vinh qua QL 60 (cầu Rạch Miễu). Còn về đường thủy, TP Mỹ Tho là đô thị đầu tiên trên trục sông Tiền đi từ cửa Tiểu lên Phnom Penh, Campuchia.
Thành phố Mỹ Tho là địa phương có hoạt động du lịch sinh thái miệt vườn cù lao Thới Sơn tiêu biểu cho loại hình du lịch sinh thái ở ĐBSCL. Ngoài ra, địa phương này cũng có nhiều địa danh, món ngon thu hút nhiều khách du lịch như rạp hát thầy Năm Tú, chùa Vĩnh Tràng, hủ tiếu Mỹ Tho.
Ông Nguyễn Văn Hồng, chủ tịch UBND TP. Mỹ Tho, cho rằng theo định hướng của tỉnh và Chương trình phát triển đô thị TP Mỹ Tho đến năm 2030, TP Mỹ Tho đang từng bước phát triển trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là tốc độ đô thị hóa.
Theo đó, nhiều dự án lớn, trọng điểm của tỉnh đã và đang được tập trung chỉ đạo thực hiện như dự án nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL – tiểu dự án TP Mỹ Tho; xây dựng quảng trường trung tâm tỉnh; khu đô thị phường 10, khu dân cư dọc sông Tiền, khu dân cư Trung An, khu dân cư Tân Mỹ Chánh, trung tâm thương mại Mỹ Tho (phường 1), khu thương mại dịch vụ Mỹ Tho, trung tâm thương mại xã Tân Mỹ Chánh, chợ Vòng Nhỏ (phường 6), chợ Đạo Thạnh (xã Đạo Thạnh), chợ Tân Long (phường Tân Long), dự án kè sông Bảo Định và bến du thuyền.
“Về phát triển kinh tế, TP Mỹ Tho sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại – dịch vụ, công nghiệp – xây dựng, nông nghiệp, đến năm 2020 đạt tỉ lệ tương ứng là 44,9% – 50,9% – 4,2%. Thành phố sẽ khuyến khích, mời gọi các thành phần kinh tế đầu tư phát triển mạng lưới thương mại – dịch vụ, ưu tiên các dự án có quy mô lớn, hiện đại gắn với bảo vệ môi trường; tiếp tục thực hiện tốt xã hội hóa đầu tư nâng cấp, xây dựng mới các chợ, trung tâm thương mại, tổ hợp nhà hàng khách sạn, cao ốc thương mại – dịch vụ.
Đồng thời, thành phố sẽ từng bước đảm bảo an sinh xã hội, mang đến điều kiện sống, điều kiện chăm sóc tốt hơn cho người dân” – ông Hồng nói.
Phát biểu tại buổi trao quyết định, Bà Tòng Thị Phóng cho rằng: “Với vị trí địa lý và lịch sử hình thành lâu đời, việc Chính phủ công nhận thành phố Mỹ Tho là đô thị loại I sẽ tiếp thêm nguồn lực to lớn để thành phố này phát triển trong thời gian tới”.
Bà Tòng Thị Phóng cũng đã nêu ba vấn đề trọng tâm để phát triển thành phố Mỹ Tho trong thời gian tới như nên phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp – dịch vụ và nông nghiệp đô thị, chú ý phát triển cái nôi đờn ca tài tử để thu hút du lịch. Quan tâm xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đoàn kết và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ….
THANH TÚ