Cuộc sống vốn không đơn giản nhưng tất cả những phức tạp đều có thể giải quyết
Trong cuộc đời thường chúng ta dễ dàng đánh giá một vấn đề của người khác từ… suy nghĩ của mình. Thật ra, có nhiều lúc chúng ta cần phải biết đổi một góc độ của họ để nhìn nhận vấn đề. Chuyện gì cũng đừng nói thành quá tuyệt đối, nhìn vấn đề cũng đừng quá chủ quan.
Có một câu truyện ngụ ngôn như sau. Có một con heo, một con cừu và một con bò sữa sống chung trong một chuồng. Mỗi lần ông chủ tới chuồng định bắt heo thì con heo đều lớn tiếng kêu la, kháng cự một cách quyết liệt. Cừu và bỏ cảm thấy khó chịu, bèn chỉ trích: “Anh làm hơi quá rồi đấy anh lợn. Ông chủ thường xuyên bắt chúng tôi, chúng tôi không kêu la bao giờ, còn anh sao cứ kêu toáng lên thế?“
Heo nghe xong liền phân trần: “Bắt hai chị và bắt tôi hoàn toàn là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Ông ấy bắt hai chị, chỉ là để lấy lông và sữa của hai chị, nhưng nếu bắt tôi thì chính là đến để lấy tính mạng tôi đi đó“. Bò và cừu nghe xong đều im lặng, kể từ đó không dám nói năng tiếng nào nữa.
Ngụ ý của câu chuyện này rất sâu sắc. Mỗi người đứng ở lập trường khác nhau, trong hoàn cảnh khác nhau thì rất khó hiểu được cảm nhận của đối phương. Nếu chúng ta có thể gần gũi với người khác hơn một chút, đứng ở vị trí của người khác để nhìn nhận vấn đề thì sự hiểu lầm và mâu thuẫn giữa con người với nhau sẽ bớt đi rất nhiều.
Một vị bác sĩ sau khi nhận được cuộc điện thoại từ y tá đã vội vã đi tới bệnh viện với tốc độ nhanh nhất có thể. Vừa nhìn thấy bóng dáng bác sĩ, cha của cậu bé đã không giữ được bình tĩnh mà hét lên: “Sao ông lại đến trễ như vậy hả? Chẳng lẽ ông không biết con trai tôi đang trong tình trạng nguy hiểm sao? Sao ông làm việc mà không có một chút trách nhiệm nào như vậy hả?”
Vị bác sĩ ôn tồn: “Thật xin lỗi, lúc nãy tôi không ở bệnh viện, nhận được điện tôi là lập tức vội đến ngay, xin ông hãy bình tĩnh một chút”.
“Bình tĩnh ư? nếu người nằm trong phòng phẫu thuật là con trai ông thì liệu ông có thể bình tĩnh được không? Nếu bây giờ nó chết mất rồi thì ông sẽ như thế nào hả?” cha của cậu bé giận dữ.
“Tôi sẽ im lặng đọc bài kinh cầu nguyện: chúng con đến từ trong cát bụi, cũng đều quay về với cát bụi, chúc phúc là tên của Chúa. Xin hãy cầu nguyện cho con trai ông đi!”, vị bác sĩ cười mỉm, cố gắng nhẫn nại.
“Chỉ có người không quan tâm gì tới sự sống chết của người khác mới có thể thốt ra những câu như vậy”, cha của cậu bé bực tức, gằn giọng.
Vị bác sĩ già im lặng bước vào phòng mổ. Mấy tiếng sau, ông vui mừng bước ra, giọng hồ hởi: “Tạ ơn trời đất, con trai của ông được cứu rồi đó!”. Không chờ cha cậu bé đáp lại, vị bác sĩ già vội vã bước đi và nói vọng lại: “nếu như có vấn đề gì, ông có thể hỏi y tá!”
“Sao ông ta lại có thể kiêu ngạo như vậy? Ngay cả đến vài phút để cho tôi hỏi tình trạng của con trai mình mà ông ta cũng không đợi được sao?” cha cậu bé tiếp tục bực tức và nói với giọng bất bình.
Không kìm nén được cảm xúc, nữ y tá nói trong nước mắt: “Con trai của ông ấy đã qua đời vào ngày hôm qua vì một vụ tai nạn giao thông. Lúc chúng tôi gọi cho ông ấy thì ông ấy đang trên đường đi tới nhà tang lễ. Bây giờ ông ấy đã phẫu thuật xong cho con trai của ông rồi nên phải vội vã đi hoàn thành nốt tang lễ cho con trai mình.”
Trong giây phút đó, cha của cậu bé như muốn khụy xuống, những giọt nước mắt hối hận lặng lẽ rơi…
Khi gặp chuyện không vừa ý, đừng vội oán người trách Trời. Trước khi phán xét ai, hãy tự hỏi mình rằng liệu mình có biết chính xác hoàn cảnh của họ? Cuộc sống vốn không đơn giản nhưng tất cả những phức tạp đều có thể giải quyết, như cách mà Phật gia răn dạy, nghĩ đến người khác trước khi nghĩ đến mình, thì hết thảy khúc mắc trên đời đều được hoá giải bằng thấu hiểu và yêu thương.
Comment on “Đã qua 293 ngày 20/10/2018 – 365 ngày.”