Thứ Hai, 16/07/2018 10:02 Sáng
Hầu như ai trong chúng ta cũng thường xuyên nhìn ra được thiếu sót của người khác, và ‘lập tức chỉ trích’ là cách mà rất nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, làm như vậy có thực sự sáng suốt hay không?
Hãy cùng chúng tôi trải nghiệm một câu chuyện thú vị:
Ngày xưa, có một vị thầy đang ngồi với bốn môn đệ của mình và dạy một bài học giáo huấn về cuộc sống. Sau khi hoàn thành bài học, ông nói với các môn đệ: “Cả bốn người đều nên học bài học này và nhớ rằng không được nói chuyện cho đến khi ta quay trở lại. Sau một giờ, ta sẽ trở lại và chúng ta sẽ cùng thảo luận về bài học này”.
Sau khi dặn dò, vị thầy rời đi. Tất cả các đệ tử ngồi đó đều chăm chú học bài học vừa được dạy. Một lúc sau, mây đen kéo tới và có vẻ như trời sẽ bắt đầu mưa.
Thấy vậy, người đệ tử thứ nhất nói: “Có vẻ như trời sắp mưa rồi!”
Người đệ tử thứ hai sau khi nghe vậy cũng lên tiếng: “Anh không nên nói chuyện chứ, sư phụ đã yêu cầu chúng ta giữ im lặng cho đến khi ngài quay trở lại và bây giờ anh đã trái lời sư phụ rồi”.
Người đệ tử thứ ba thấy vậy lại nói với người thứ hai: “Thấy chưa, bây giờ thì anh cũng đang nói đấy thôi …!”
Cuối cùng thì không ai bảo ai, cả ba đệ tử đã mở miệng nói chuyện khi vắng mặt sư phụ. Tuy nhiên, người đệ tử thứ tư vẫn không nói gì và lặng lẽ học bài học vừa được dạy.
Một giờ sau, người thầy quay lại.
Ngay khi vừa nhìn thấy thầy, người đệ tử thứ hai liền hướng tới người thứ nhất và phàn nàn:“Thưa thầy, cậu ấy đã nói chuyện khi thầy vắng mặt”.
Người thứ nhất nói: “Vậy thì sao chứ? Anh cũng đâu có giữ im lặng được đâu .. “
Người thứ ba cũng theo đó liền nói: “Thưa thầy, cả hai đều không vâng lời thầy ạ ..”
Và đệ tử thứ nhất nói ngay sau đó: “Anh có quyền gì mà nói như thế? Ngay cả anh cũng đã mở mồm vào lúc đó… “
Thấy vậy, vị sư phụ ôn tồn nói: “Có nghĩa là cả ba người các con đã nói chuyện khi ta vắng mặt. Chỉ có một người không làm trái lời ta là đệ tử thứ tư và anh ta là người duy nhất làm đúng theo lời hướng dẫn của ta nhất. Chắc chắn cậu ấy sẽ trở thành một người tốt hơn trong tương lai.
Nhưng ta không chắc về ba người các con. Các con đã làm trái lời ta chỉ để phàn nàn về người khác, và chỉ vì điều này mà các con đã không nhận ra rằng mình cũng đang vi phạm… “
Sau khi lắng nghe lời thầy, ba đệ tử cảm thấy rất xấu hổ về hành động của họ và thừa nhận sai lầm của mình. Họ xin được thầy tha thứ và hứa sẽ không bao giờ tái phạm.
***
Có lẽ câu chuyện ở trên lại là điều xảy ra tương tự với hầu hết chúng ta, đôi khi chúng ta tập trung rất nhiều vào việc chỉ ra những thiếu sót, lỗi lầm của người khác, để rồi không thể tự nhận ra rằng bản thân chúng ta cũng đang mắc sai lầm tương tự.
Vậy nên, để có được tâm trí thanh thản và hạnh phúc tự tại, thay vì nhạo báng người khác, chúng ta nên tìm kiếm sai lầm của chính mình và sửa chữa sai lầm đó.
Tại sao người ta thường hay nhìn vào thiếu sót của người khác? Có lẽ bởi vì ai trong chúng ta cũng có một hệ thống quan niệm và thước đo riêng của mình, rằng phải như thế này là đúng, còn như thế kia là sai. Thường thì chúng ta khá chắc chắn rằng nhận định của mình mới là đúng đắn, và mọi người đều sai. Và chúng ta cảm thấy khó chịu khi một ai đó không phù hợp với quan niệm của mình.
Ngay cả khi bạn muốn giúp người khác nhận ra thiếu sót của bản thân mình để thay đổi, thì nếu với tâm thái không đủ bao dung và đặt mình vào vị trí người khác, sẽ rất dễ dẫn đến trạng thái áp đặt. Điều này chỉ khiến họ không muốn nghe bạn nói tiếp nữa mà thôi! Và như thế, chẳng phải bạn lại đang phạm sai lầm hay sao?
Vậy làm thế nào để thay đổi thói quen luôn nhìn vào thiếu sót của người khác?
Cha ông ta có lời khuyên rất thấm thía rằng ‘Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Quả vậy, trước khi chỉ trích hay phán xét một ai đó, hãy học cách dừng lại và cho mình một ‘khoảng lặng’, một sự bình hòa.
Trước khi một ý nghĩ phán xét bắt đầu nổi lên, hãy học cách dừng lại và đặt câu hỏi ngược lại rằng: “Phải chăng họ có lý do nào đó khi phải làm như vậy?”, “Mình đã có khi nào cũng sai lầm như vậy chưa?”…
Bằng cách đặt câu hỏi và tự nhìn lại bản thân mình như vậy, chính là chúng ta đang khởi lên trong tâm một sự bao dung và khiêm nhường. Nhìn thấy thiếu sót của người khác, hãy biến nó thành cơ hội để chúng ta nhận ra và đối chiếu, so sánh với bản thân mình.
Chữ “so sánh” (Tỉ 比), trong ngôn ngữ tượng hình đầy nội hàm của văn hóa truyền thống Trung Hoa, không phải ngẫu nhiên là hình ảnh hai người đứng cạnh nhau, hai tay đặt trước ngực và cung kính chào người kia. Có nghĩa là chúng ta so sánh với nhau để học hỏi lẫn nhau bằng tất cả sự tôn trọng và khiêm nhường, chứ không phải để khẳng định ai đúng ai sai, để áp đặt hay cạnh tranh.
Nhìn thấy thiếu sót của người khác nhưng không vội vàng chỉ trích, mà quay về tìm lại thiếu sót ở bản thân để hoàn thiện chính mình. Khi đó dù không cần nói câu nào, chỉ một nụ cười ý nhị bạn cũng có thể cảm hóa được người khác rồi!
Vậy nên, có thể nói rằng, thay vì chỉ trích, hãy không ngừng quay về sửa bản thân mình trước, chính là cách sáng suốt nhất để bạn có thể giúp đỡ và sửa sai cho người khác.
Gia đình sẽ ngày càng thuận hòa, hạnh phúc khi biết cách nói năng
Với người ngoài ta thường khách khí nhưng đối với người trong nhà thì lại chẳng kiêng nể điều chi. Nhưng gia đình không phải là tượng đài kiên cố chẳng thể quật ngã, hạnh phúc ấy cũng luôn cần được vun vén từ những việc đơn giản nhất.
1. Đối với vợ chồng: Biết cách nói năng mới giữ được hạnh phúc bền vững
Ta thường nghe nói: “Trò chuyện là một môn nghệ thuật, lời nói phải dễ nghe mới có thể quy thuận lòng người”.
Nhưng gia đình lại thường là nơi bị chúng ta coi nhẹ nhất. Với những người xa lạ, chúng ta rất đỗi lịch sự, khách khí, nhưng với những người càng thân thiết, gần gũi như vợ chồng với nhau chúng ta lại chẳng kiêng nể điều chi. Bởi lẽ chúng ta biết rằng người thân sẽ chẳng bao giờ trách móc mình.
Do đó,ta vô tình hay cố ý dùng những lời lẽ sắc bén gây tổn thương trái tim họ. Kỳ thực gia đình không phải là tượng đài kiên cố chẳng thể quật ngã. Hạnh phúc gia đình cũng cần được vun vén. Một cuộc hôn nhân hạnh phúc bắt đầu từ lời ăn tiếng nói, nhiều khi thay đổi cách nói sẽ khiến tình cảm hai người trở nên hoàn toàn khác.
Sự tôn kính lẫn nhau giữa vợ chồng quan trọng hơn những lời oán trách
Người xưa có câu “Phu thê tương kính như tân”. Câu này ý nói rằng vợ chồng dẫu quá đỗi thân thuộc và thấu hiểu nhau tới tận đường tơ kẽ tóc, nhưng khi chung sống với nhau vẫn cần phải tôn kính tiếp đãi như khách quý trong nhà vậy.
Bởi lẽ sau nhiều năm “đầu ấp vai kề”, nhiều cặp vợ chồng thường cho rằng giữa hai người đã quá gần gũi, không cần phải kiêng kỵ điều chi. Họ muốn nói gì thì nói và không thể kiểm soát được thái độ với vợ chồng mình. Vốn dĩ muốn bày tỏ sự quan tâm với người ấy nhưng buột ra khỏi miệng lại là những lời oán trách, chê bai, phán xét khiến người khác phải nhói đau.
Vợ chồng chung sống với nhau một thời gian lâu thì sự nhẫn nại sẽ dần bị bào mòn. Nên dẫu xuất phát từ ý tốt nhưng khi cất lời nói cũng cần suy xét tới cảm nhận của người khác. Nếu chỉ một mực oán trách, chỉ trích người bạn đời thì lâu dần sẽ khiến tình cảm đôi bên phai nhạt.
Nỗi oán hận ấy sẽ trở thành vòng tròn ác tính, lặp đi lặp lại, không thể kiểm soát. Cuộc sống gia đình sẽ không còn là “tổ ấm”, mà lại trở thành những “tổ nóng”. Khi ấy bạn đang đặt gia đình trên bờ vực sụt đổ.
Dẫu hai người có một cuộc hôn nhân vô cùng ngọt ngào thì cũng là hai cá thể riêng biệt và có cảm nhận của riêng mình
Bất kỳ vấn đề nhỏ bé nào giữa hai vợ chồng cũng đều sẽ trở thành nguy cơ tiềm ẩn với hạnh phúc gia đình. Dẫu hai người có một cuộc hôn nhân vô cùng ngọt ngào thì cũng là hai cá thể riêng biệt và có những cảm nhận riêng. Dẫu thân mật tới mức nào thì người bạn đời cũng vẫn khó chịu bởi những lời gai góc.
Tức giận với người nhà là hành vi xuẩn ngốc và mềm yếu nhất của con người. Nếu biết lựa lời mà nói thì tình cảm giữa hai vợ chồng mới có thể luôn đằm thắm, nồng đượm. Vậy nên trước khi cất lời bạn hãy suy nghĩ thật cẩn trọng. Hãy thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm nhiều hơn và bớt đi sự chỉ trích, bới móc lẫn nhau.
Bạn đừng nên dễ dàng nổi giận, khi gặp mâu thuẫn cũng đừng vội tranh cãi hơn thua. Hãy điềm tĩnh lại thương thảo về bản thân sự việc ấy và suy nghĩ cho đối phương nhiều hơn một chút. Bạn đừng cho rằng họ là người thân nhất của mình thì nói năng không cần phải màu mè, khách sáo, “giữ kẽ” hay phải “lựa lời”.
Kỳ thực những lời quan tâm rất quan trọng đối với cuộc sống hôn nhân
Chỉ cần nghe một câu “Trong mắt anh em luôn là người phụ nữ xinh đẹp, duyên dáng và chu đáo nhất” vợ bạn sẽ cười tủm tỉm một mình cả ngày. Hay khi được chồng bày tỏ: “Tình yêu anh dành cho em sẽ không thay đổi dù em gầy hay béo, đẹp hay xấu”chắc hẳn sẽ không khiến ít người vợ xúc động ứa nước mắt.
Đàn ông luôn tỏ ra lạnh lùng, cứng cỏi và mạnh mẽ, nhưng họ cũng sẽ rất hạnh phúc khi được vợ ôm thật chặt và thì thầm với ánh mắt dạt dào yêu thương. Giữa vợ chồng có thể trò chuyện thì cuộc sống hôn nhân mới hạnh phúc tròn đầy.
Đa phần khi chung sống với nhau một thời gian lâu, hai người sẽ không còn coi trọng những lời yêu thương như thuở hò hẹn ngày xưa. Thậm chí họ còn cảm thấy sáo rỗng hay ngại ngùng không cất nên lời.
Con người muốn sinh tồn cần có ánh mặt trời, có cơm ăn, nước uống để nuôi dưỡng thân thể. Nhưng nhu cầu thiết yếu hơn lại là những lời khen ngợi, động viên, khích lệ để nuôi dưỡng tâm hồn. Con người không nhận được những lời khen ngợi và tán dương kịp thời cũng dễ sinh ra thất vọng và chán nản.
“Hoa dẫu đẹp nhưng không có nước hoa cũng sớm tàn phai. Tâm hồn thiếu vắng những lời ngợi khen tâm hồn cũng héo úa”.
Nếu đợi đến khi đối phương “đói khát” tình cảm, bạn mới “nhỏ giọt” vài lời yêu thương thì e rằng hạnh phúc gia đình sẽ khó tránh khỏi bị chao đảo
Đôi khi chúng ta cảm thấy thật kỳ lạ khi người bạn đời luôn mong chờ sự khẳng định của mình về tình yêu của hai người. Nhu cầu ấy như cơn khát của biển cả, dường như chẳng lúc nào nguôi. Kỳ thực cũng giống như cơm ăn, nước uống hàng ngày vậy. Chúng ta không thể nhét đầy bụng thay cho những bữa ngày hôm sau hay vài ngày sau. Đó là điều ai ai cũng hiểu.
Tình cảm cũng như vậy, không thể chỉ nói một lần rồi thôi. Nếu đợi đến khi đối phương “đói khát” tình cảm, bạn mới “nhỏ giọt” vài lời yêu thương thì e rằng hạnh phúc gia đình sẽ khó tránh khỏi bị chao đảo.
Sự trân trọng, tình yêu thương nếu chỉ giấu kín trong lòng sẽ chẳng ai nhìn thấy được. Nếu không thể bước qua giới hạn của bản thân, chẳng thể nói nổi những lời ngợi khen và trìu mến với người ấy thì hãy tìm cách khác để người bạn đời của mình cảm nhận được điều đó. Ví như mua một món ăn khoái khẩu của người ấy, thi thoảng mua tặng vợ hay chồng mình những món đồ hữu ích.
Ngược lại nếu “tưới tắm” cho người bạn đời bằng những lời càm ràm, oán trách hay phán xét thì “hạnh phúc gia đình” sẽ sớm bạc màu, héo úa. Vợ chồng tuy thân sống cùng nhà, mà tâm hồn lại ở nơi xa mất rồi.
Vậy nên trong một gia đình, “lựa lời mà nói” không chỉ giúp hai vợ chồng được thọ ích mà con cái cũng được trưởng thành trong một mái nhà bình yên, ấm áp. Cách trò chuyện giữa hai vợ chồng cũng chính làm tấm gương mà con cái âm thầm học theo trong suốt phần đời còn lại của mình.
2. Cha mẹ đối với con cái: Lời động viên khích lệ quan trọng hơn sự phê bình, nhiếc móc
Ngôn ngữ là vật truyền tải tình cảm. Nó có thể mang đến sự ấm áp cho người khác, cũng có thể khiến lòng người bị tổn thương. Sự tổn thương do lời nói gây ra còn nghiêm trọng hơn sự tổn thương ngoài thân thể. Những vết thương bên ngoài có thể nhìn thấy được, nhưng sức tàn hại của lời nói lại là thứ vô hình có sức hủy hoại rất lớn.
Tiến sỹ Susan Faverd cũng là một nhà tâm lý học. Ông đã từng nói trong một cuốn sách của mình rằng: “Trẻ nhỏ không thể phân biệt được sự thực và những lời trêu đùa. Chúng sẽ tin tất cả những gì cha mẹ nói về mình và biến chúng trở thành quan niệm của mình”.
Có không ít ông bố, bà mẹ “có sở trường” về cách giáo dục bằng những lời đả kích. Nhưng cách giáo dục này không hề đạt được mục đích “giúp con cái tốt hơn”. Ngược lại chúng còn mang đến ảnh hưởng tiêu cực cho sự trưởng thành của trẻ. Những đứa trẻ thường phải nghe lời mắng mỏ, chê bai, so bì sẽ vô cùng tự ti, và thường sa vào cảm xúc tiêu cực và nghi ngờ bản thân.
Sự tổn thương gây ra từ những lời phủ nhận, chỉ trích, phê phán của cha mẹ không chỉ khiến con mình bị tổn thương ngay lúc đó. Nó giống như một cái kim, cùng với những năm tháng dài đằng đẵng, nó sẽ luôn khiến trái tim con mình phải nhói đau.
Nhan Nguyên, nhà giáo dục thời Thanh cũng từng nói: “Mắng con chục lần chẳng bằng khen chúng một lần”. Cha mẹ thường khen ngợi con trẻ và có những ám thị tích cực, những khích lệ thì đứa trẻ cũng sẽ cố gắng hoàn thiện để xứng đáng với sự tin tưởng của cha mẹ chúng. Do vậy chúng sẽ ngày càng trở nên xuất sắc hơn.
Trong tâm lý học có một cách nói gọi là “Hiệu ứng Pygmalion”. “Hiệu ứng Pygmalion” nghĩa là những lời khen ngợi, sự tín nhiệm và mong đợi sẽ tăng thêm nguồn sức mạnh trong tâm hồn con người, thúc đẩy họ dám ước mơ và nỗ lực thực hiện hoài bão ấy.
Những lời tán dương, khích lệ như ngọn đèn hải đăng soi sáng con đường phía trước, giúp vượt qua những trắc trở, sóng gió trong cuộc đời
Khi một người nhận được lời khích lệ, họ sẽ cảm thấy như mình được cả xã hội thừa nhận. Từ đó họ thấy mình có ích, có giá trị với mọi người và có một chỗ đứng nhất định trong xã hội. Điều này sẽ bồi đắp lòng tự tin, tự tôn và tiếp thêm động lực giúp họ tích cực hướng về phía trước.
Đồng thời, trong giáo dục tâm lý học cũng có một khái niệm gọi là “Hiệu ứng Ungg Mary”. Nghĩa là khi được khen ngợi thì người được tán dương sẽ không ngừng tiến bộ. Trí huệ và sức sáng tạo của họ sẽ được khai mở và tạo nên những điều bất ngờ, thậm chí là kỳ tích.
Cha mẹ luôn tôn trọng sở thích, thiên hướng và sự lựa chọn của con trẻ, biết cách khích lệ con cái mới có thể đạt được điều mình mong muốn.
Dẫu rằng con cái là do cha mẹ sinh ra, nhưng chúng cũng vẫn là những cá thể độc lập và có ước mơ, hoài bão và cuộc đời riêng của mình
Ngày nay có không ít những bậc phụ huynh vì danh tiếng của gia đình và bản thân mà ôm giữ tâm lý “mong con hóa rồng”. Họ lựa chọn những gì mình thích thay vì tôn trọng lựa chọn của con cái. Họ cho con học những ngôi trường danh tiếng và thật nhiều kỹ năng để nổi trội hơn người khác và dành được ưu thế trong xã hội.
Nếu thành tích học tập của con cái không như ý, nếu con cái không có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của mình, cha mẹ sẽ “mặt nặng mày nhẹ”, không tiếc lời nhiếc móc nghe đau nhói cõi lòng.
Dẫu rằng con cái là do cha mẹ sinh ra, nhưng chúng cũng đều là những cá thể độc lập. Mỗi một đứa trẻ sẽ có những năng khiếu và sở trường cũng như sở đoản khác nhau. Chúng cũng sẽ có những mong muốn, nguyện vọng và ước mơ của riêng mình.
Thiết nghĩ là cha, là mẹ, nếu thực sự yêu thương con cái của mình thì nên tôn trọng lựa chọn của chúng và khích lệ chúng tự bước đi trên đôi chân mình, tự thực hiện hoài bão của mình.
3. Con cái đối với cha mẹ: Lòng biết ơn quan trọng hơn sự oán trách
Dẫu rằng cha mẹ chẳng thể cho chúng ta tất cả mọi thứ trên đời, nhưng những gì cha mẹ dành cho chúng ta chắc chắn là tốt nhất. Dẫu giàu hay nghèo thì cha mẹ đều sẽ dành trọn trái tim yêu thương và tất cả những gì mình có cho con cái.
Đừng oán trách rằng “Cha nên làm một người cha như thế này, mẹ nên làm một người mẹ như thế kia…”. Nếu cha mẹ bạn không thể thỏa mãn nhu cầu vật chất của bạn thì xin đừng quên rằng mẹ đã phải mang nặng đẻ đau, thai nghén 9 tháng 10 ngày, dùng cả sinh mệnh của mình mà vượt cạn để bạn có mặt trên cõi đời.
Mẹ vất vả cho con bú mớn. Cha nặng gánh vì mưu sinh, kiếm tiền nuôi vợ con. Từ ngày bạn có mặt trên thế gian, cha mẹ chẳng lúc nào nguôi lo nghĩ về tương lai của bạn. Cha mẹ dồn hết tâm huyết dưỡng dục bạn thành người. Đến khi con cái trưởng thành, ngoảnh lại cha mẹ đầu đã hai thứ tóc, nếp nhăn cũng in hằn trên khóe mắt.
Vì thời đại đổi khác, tư tưởng đổi khác, cách tiếp nhận giáo dục cũng đổi khác nên giữa con cái và cha mẹ sẽ luôn có những điểm khác biệt về quan điểm và cách nghĩ. Hơn nữa ai nấy đều có những trải nghiệm khác nhau.
Do đó đừng chán ghét và chê bai cha mẹ cổ hủ, lạc hậu hay oán trách cha mẹ quê mùa. Hãy tôn trọng, thấu hiểu và chia sẻ với cha mẹ nhiều hơn, khiêm nhường và biết ơn nhiều hơn một chút.
Đừng oán trách mà nên yêu thương nhiều hơn nếu bị cha mẹ càm ràm
Không ít người không thể chịu đựng nổi những lời càm ràm của cha mẹ, thậm chí còn trách mắng cha mẹ vì điều này. Kỳ thực những lời càm ràm này là vì cha mẹ yêu thương và lo lắng cho bạn. Cha mẹ dặn dò bạn phải ăn cơm đúng giờ vì sợ bạn đói lả. Cha mẹ nhất quyết muốn bạn mặc thêm một chiếc áo vì sợ bạn mặc phong phanh sẽ bị nhiễm lạnh.
Bởi lẽ họ thực lòng lo lắng cho bạn. “Tay đứt thì ruột xót”, cha mẹ sẽ chẳng thể an lòng vì sợ “khúc ruột” của mình sẽ bị đói, sẽ bị khát, đang khô héo hay bị tổn thương. Chắc chắn là sẽ không ai “rỗi hơi” mà đi càm ràm về một người mình chẳng để tâm.
Russell, một triết học gia người Anh nói: “Sở dĩ gia đình quan trọng chủ yếu là vì nó khiến cha mẹ cảm nhận được tình cảm ấm áp trong tim”.Trong “Thi kinh” cũng nói “Thương thay cha mẹ, vất vả sinh ta” (Ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao). Gia đình luôn cần những trái tim yêu thương và đong đầy lòng biết ơn của con cái.
Con người chẳng ai có thể vượt khỏi vòng tròn sinh tử. Cha mẹ cũng chẳng thể sống với chúng ta trọn vẹn một đời.
Màu thời gian sẽ phủ đầy trên mái tóc mẹ cha. Cha mẹ ngày một già đi, đôi chân yếu hơn, chiếc lưng không còn thẳng nữa. Thời gian như dòng sông chảy mãi, một đi không trở lại.
Chúng ta cũng đâu có nhiều thời gian và cơ hội để bù đắp lại những hối tiếc trong lòng mình. Vậy nên khi vẫn còn trông thấy gương mặt, bóng hình của cha mẹ, nghe được giọng nói của cha mẹ, hãy yêu thương, bao dung và tận tâm chăm sóc cha mẹ.
Cổ nhân có câu: “Trăm đức hiếu đứng đầu”, hiếu thuận là nền tảng đầu tiên trong trăm ngàn đức hạnh. Hiếu thuận đó không chỉ là xây nhà cao cửa rộng, cung phụng cha mẹ có một cuộc sống vật chất đủ đầy, mà quan trọng hơn là nói năng nhã nhặn với cha mẹ, có thể đứng từ góc độ của cha mẹ mà suy ngẫm, thấu hiểu cho sự bất an của cha mẹ, vỗ về những âu lo của cha mẹ.
Không nên nói những lời oán trách cha mẹ, cũng đừng tùy tiện nổi giận khiến cha mẹ thêm phiền lòng. Hãy nói nhiều hơn những lời quan tâm và biết ơn với một thái độ an hòa.
Bởi lẽ, lời nói của bạn có sức mạnh. Vì cha mẹ quan tâm đến bạn nên cha mẹ coi trọng lời nói của bạn. “Lời nói chẳng mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Hãy mỉm cười và nói năng nhẹ nhàng, từ tốn với cha mẹ, điềm tĩnh nhưng không lạnh lùng, kiên định nhưng không cứng nhắc.
Muốn gia đình hạnh phục chúng ta cần yêu thương nhiều hơn, thấu hiểu nhiều hơn và học cách tôn trọng và bày tỏ tình cảm qua lời nói. Vì gia đình yêu thương bạn nên từng lời nói của bạn mới trở nên vô cùng quan trọng với họ. Vậy nên mỗi lời chúng ta nói ra đều cần phải đắn đo, suy xét cẩn thận.
“Hữu duyên thiên ý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng”. Kiếp này có duyên sống chung một nhà đâu phải chuyện ngẫu nhiên và giản đơn. Thế gian có triệu triệu con người, nhưng người thân được mấy ai? Hàng ngày họ vẫn bước ngang qua cuộc đời bạn, có thể chợt gặp gỡ, chợt hội ngộ rồi lại vội vàng chạy theo cuộc sống của riêng mình.
Khi bạn mệt mỏi cần một bờ vai nương tựa, khi bạn gặp khó nạn và tổn thương ai sẽ là những người quan tâm đến bạn? Chỉ có vợ chồng, cha mẹ, con cái mới luôn sẵn sàng dừng bước, giang rộng vòng tay ôm lấy bạn, chở che và nâng đỡ cho bạn. Hãy trân trọng mối nhân duyên này, bao dung với người thân và bắt đầu bằng những lời yêu thương và bày tỏ lòng biết ơn với họ.
Comments on “Hành Trình 197 ngày 16/7/2018 – 365 ngày.”