CUỐN SÁCH DẠY CON CHUYÊN CẦN HỌC TẬP, BỒI ĐẮP THIỆN LƯƠNG NỔI TIẾNG TRONG LỊCH SỬ Á ĐÔNG.
Nhiều người Việt Nam đã thuộc nằm lòng câu nói: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Đây cũng chính là câu mở đầu của bộ sách giáo dục trẻ em truyền thống “Tam tự kinh”, từng được ngợi ca và sử dụng rộng rãi ở các nước Á Đông như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. “Tam tự kinh” chỉ có trên 1000 chữ nhưng bao trùm cả văn học, lịch sử, triết học, thiên văn, địa lý, luân thường đạo lý. Sách thích hợp với trẻ nhỏ nhờ hình thức thơ 3 chữ ngắn, đơn giản, có thể hát như đồng dao nghe rất vui tai.
Tiếp theo bộ kinh điển giáo dục trẻ em “Phép tắc người con” (Đệ tử quy), DKN hy vọng rằng bộ sách “Tam tự kinh” (chọn lọc) này sẽ giúp các em nhỏ và mỗi người chúng ta nuôi dưỡng bản tính thiện lương, tịnh hóa tâm hồn, tìm lại và nâng cao những giá trị truyền thống tốt đẹp trong thời buổi đạo đức suy thoái hôm nay.
Hiếu đễ trước, rồi học văn
Biết toán số, biết văn chương.
Một đến mười, mười đến trăm,
Trăm đến ngàn, ngàn đến vạn.
DIỄN GIẢI:
Làm người thì điều tối quan trọng trước tiên là phải học đạo lý hiếu thuận với cha mẹ, yêu thương anh chị em như thế nào. Sau đó mới bắt đầu học các tri thức trong đời sống thường nhật.
Những kiến thức thông thường trong cuộc sống bao gồm cả khả năng hiểu được sự thay đổi các con số và cách tính toán, ngoài ra còn có khả năng đọc hiểu các chữ viết, văn chương.
Từ 1 đến 10 là những con số cơ bản, sau đó chúng ta mới có thể biết được 10 lần 10 là 100, 10 lần 100 là 1.000, 10 lần 1.000 là 1 vạn (tức 10.000). Cứ như thế lũy tiến là vô cùng vô tận.
CÂU CHUYỆN THAM KHẢO:
CÂU CHUYỆN VỀ VUA THUẤN
Theo sử sách ghi chép lại thì vua Thuấn là một người vô cùng có hiếu. Cha của Thuấn là một người mù gọi là Cổ Tẩu, mẹ Thuấn qua đời từ khi Thuấn còn nhỏ. Về sau, Cổ Tẩu lấy thêm người vợ lẽ, cũng chính là mẹ kế của Thuấn. Mẹ kế tính tình rất xấu, không những không hề yêu thương Thuấn mà còn dùng mọi thủ đoạn để hãm hại Thuấn.
Không lâu sau, mẹ kế sinh được một người con trai và đặt tên là Tượng, cha và mẹ kế của Thuấn đều hết mực yêu thương Tượng. Mặc dù thường ngày Thuấn đều rất hiếu thuận với cha mẹ cũng như yêu thương em trai Tượng, nhưng mẹ kế và em trai lại rất ghét Thuấn, còn người cha thì chỉ biết nghe lời hai mẹ con Tượng, chẳng biết phân biệt đúng sai, thường xuyên đánh mắng Thuấn.
Mẹ kế thường kết hợp với con trai bà ta để ức hiếp Thuấn
(Chụp màn hình video Youtube, nguồn: Chanhkien.org)
Do sức khỏe của cha không tốt, cộng với em trai còn nhỏ tuổi, nên khi Thuấn còn rất nhỏ đã một mình ở dưới chân núi Lịch Sơn làm ruộng trồng trọt để nuôi sống gia đình. Theo truyền thuyết, vì lòng hiếu thuận của Thuấn làm cảm động trời đất, nên ngay cả voi cũng đến giúp Thuấn làm ruộng, chim bay đến giúp nhổ cỏ. Dù vậy nhưng cha, mẹ kế, em trai Thuấn đều không ưa gì nên họ hay tìm cơ hội để hãm hại, có lúc suýt chút nữa Thuấn đã mất mạng.
Thuấn cũng biết rõ cảnh ngộ của mình nên luôn luôn cẩn thận, do đó Thuấn luôn nghĩ được cách tránh khỏi những lần hãm hại của họ, và cũng không hề để bụng một chút nào. Thuấn không chút oán hận về những việc xảy đến, mà còn âm thầm chấp nhận mọi đối xử bất công với mình. Thuấn luôn nghĩ cách để làm vui lòng cha mẹ, khiến cha mẹ vui vẻ. Bởi vì đức hạnh của Thuấn vô cùng đáng quý, cho nên khi Thuấn 20 tuổi thì lòng hiếu thuận của ông đã nổi tiếng được lan truyền khắp nơi.
Thuấn luôn nghĩ cách để làm vui lòng cha mẹ, chăm sóc gia đình.
(Chụp màn hình video Youtube, nguồn: Chanhkien.org)
Sau này, khi vua Nghiêu hiền minh tìm người tài đức để kế vị, mọi người liên tục tiến cử Thuấn. Mặc dù vua Nghiêu đã chấp nhận sự tiến cử của các chư hầu khắp nơi, nhưng vì người dân khắp thiên hạ, ông vẫn muốn đích thân thử thách Thuấn. Thế là vua Nghiêu bèn gả hai người con gái là Nga Hoàng và Nữ Anh cho Thuấn. Vua còn để cho Thuấn kết giao với chín người con trai của ông, và ông ở bên quan sát xem Thuấn đối nhân xử thế ra làm sao.
Ngoài ra, vua Nghiêu còn để Thuấn lấy mỹ đức hiếu đễ để dạy bảo người dân. Người dân đều thuận theo ông. Thuấn xử lý các công việc triều chính vô cùng tốt đẹp, các quan đều phục tùng chính lệnh. Vua Nghiêu còn sai Thuấn tiếp đãi chư hầu bốn phương đến triều đình triều kiến, các chư hầu đều cung kính nghe theo. Cuối cùng, vua Nghiêu sai Thuấn bảo vệ rừng núi, mặc dù Thuấn ở trên núi gặp phải mưa to gió lớn nhưng vẫn có thể phân biệt rõ phương hướng, không bị lạc đường.
Cuối cùng, vua Nghiêu thấy được Thuấn là người có phẩm hạnh cao thượng và có trí huệ phi phàm, nên ông đã nhường ngôi cho Thuấn kế vị.
Thuấn được vua Nghiêu gả hai người con gái và nhường ngôi cho Thuấn kế vị. (Chụp màn hình video Youtube, nguồn: Chanhkien.org)
XEM PHIM HOẠT HÌNH TAM TỰ KINH – TẬP 6: CÂU CHUYỆN VỀ VUA THUẤN
PHỤ CHÚ:
1. Nguyên văn chữ Hán:
首孝弟,次見聞
知某數,識某文
一而十,十而百
百而千,千而萬
2. Âm Hán Việt:
Thủ hiếu đễ, thứ kiến văn
Tri mỗ số, thức mỗ văn.
Nhất nhi thập, thập nhi bách,
Bách nhi thiên, thiên nhi vạn.
3. Pinyin Hán ngữ:
shǒu xiào tì, cì jiàn wén
zhī mǒu shù, shì mǒu wén
yī ér shí, shí ér bǎi
bǎi ér qiān, qiān ér wàn
4. Chú giải:
(1) Thủ (首): đầu tiên, trước nhất.
(2) Hiếu đễ (孝弟): Hiếu thuận cha mẹ, kính nhường, yêu mến anh em.
(3) Thứ (次): thứ hai, sau đó.
(4) Kiến văn (見聞): điều mắt thấy tai nghe, chỉ về những kiến thức thông thường hoặc tri thức.
(5) Mỗ (某): dùng để gọi chung chung sự vật hoặc người không biết tên hoặc có tên nhưng không nói ra tên cụ thể.
(6) Số (數): chỉ phép tính toán thời cổ đại, còn được gọi là một trong Lục nghệ (lễ, nhạc, bắn cung, cưỡi ngựa, thư pháp và toán pháp).
(7) Thức (識): nhận thức, hiểu.
(8) Văn (文): chỉ văn tự (chữ viết) và văn chương; cũng dùng nói chung về học vấn.
(9) Nhất (一): số 1.
(10) Nhi (而): đến, chỉ ý biến đổi.
(11) Nhất nhi thập (一而十): con số cơ bản từ 1 đến 10.
(12) Thập nhi bách (十而百): 10 lần 10 là 100.
(13) Bách nhi thiên (百而千): 10 lần 100 là 1000.
(14) Thiên nhi vạn (千而万): 10 lần 1000 là 1 vạn tức 10000.
5. Câu hỏi thảo luận:
a. Văn hóa truyền thống Á Đông từ xưa đến nay đều rất coi trọng hiếu thuận, cho nên mới có câu “Bách thiện hiếu vi tiên” (trăm điều thiện, hiếu là đầu tiên), bạn có biết vì sao không?
b. Theo bạn, tu dưỡng phẩm hạnh đạo đức và học tập kiến thức, điều nào quan trọng hơn? Hãy trình bày suy nghĩ của bạn.
6. Viết đoạn văn về những điều tâm đắc:
Dưới đây có một số vấn đề được đưa ra sau khi đọc xong câu chuyện về vua Thuấn, bạn hãy suy nghĩ rồi nói ra suy nghĩ của mình.
a. Vì sao vua Nghiêu lại chọn Thuấn làm người kế vị?
b. Nếu như bạn là Thuấn – nhân vật chính trong câu chuyện này, gặp phải những đối đãi bất công như thế, bạn sẽ xử lý thế nào?
c. Khi bạn và người nhà bất đồng ý kiến, bạn sẽ giải quyết thế nào?
d. Điều quan trọng nhất của một người là phải hiếu thuận với cha mẹ, yêu thương nhường nhịn anh chị em. Thử nghĩ lại xem bạn đã làm được bao nhiêu rồi, còn những điều nào cần khắc phục?
e. Đọc xong câu chuyện này, bạn học được điều gì?
7. Đọc sách bút đàm:
Hai câu đầu của đoạn này là tổng kết và nhấn mạnh của bài học trước, minh xác chỉ ra tầm quan trọng của việc hiếu kính cha mẹ (hiếu) và thương yêu anh chị em (đễ). Nội hàm của “đễ” trong bài trước thể hiện qua câu chuyện Khổng Dung lấy quả lê to đưa cho huynh trưởng, chủ yếu nhấn mạnh cái tâm kính yêu của người em với huynh trưởng. Chữ “đễ” (悌) vốn là do chữ “đệ” (弟) và chữ “tâm” (心) hợp thành.
Làm anh thì chăm sóc em mình, đây là việc rất đỗi tự nhiên. Khi cha mẹ không còn thì người anh sẽ đảm nhận trách nhiệm người cha để chăm sóc cho các em, câu “huynh trưởng như cha” chính là thể hiện quan niệm đó. Người lớn tuổi hơn tự nhiên sẽ vì các em mà che chở mưa gió, đây là thiên tính. Vậy nên, thái độ của người em đối với người anh là phải lễ phép và tôn kính, trên thực tế đã bao hàm đạo lý kính yêu lẫn nhau.
Làm người thì đầu tiên phải biết cảm ơn những người thân đã chăm sóc ta, đây là điều cơ bản nhất khi sống ở trên đời, cũng là yêu cầu tối thiểu. Nếu bước đầu tiên làm được tới đó, vậy thì lấy cái tâm ấy mở rộng ra đến thiên hạ, hướng đến xã hội, hướng đến người bình thường không có ơn nuôi dưỡng chăm sóc ta, thậm chí với người lạ mà địa vị thấp hơn ta, nếu ta vẫn yêu kính họ thì ta sẽ thành người quân tử nhân nghĩa. Nếu ra làm quan sẽ yêu thương bách tính, chăm sóc trăm họ. Đây cũng là nguyên nhân vì sao đế vương được xưng là “quân” (vua), là tấm gương sáng về người quân tử trong thiên hạ.
Làm quân chủ (vua), lấy ơn nghĩa hiếu đễ với gia đình làm nền tảng, có thể buông xuống tự tôn, chiêu hiền đãi sỹ một cách khiêm cung, càng bỏ đi tư tình thì phẩm chất và sự tu dưỡng càng cao; đây là người quân tử thật sự. Hết thảy phẩm đức đều bắt đầu từ việc hiểu được báo ơn cha mẹ và huynh trưởng. Người xưa nói: “Trong trăm cái thiện thì hiếu đứng đầu” (Bách thiện hiếu vi tiên), chữ hiếu này là cơ sở của việc làm người.
Cho nên bài này đã giảng rất rõ ràng, con người đầu tiên cần làm được hai chữ “hiếu đễ”, biết cảm ơn những người thân trong gia đình. Hiểu được đạo lý cơ bản rồi thì mới học các loại kỹ năng, liễu giải các loại tri thức và những điều mắt thấy tai nghe, đây mới là con đường chính. Nếu không, có tài mà vô đức, há chẳng rất dễ biến thành tiểu nhân gây họa hại thiên hạ sao!
Theo Chánh Kiến
Kiến Thiện – Mạn Vũ biên dịch