Danh lợi kiếp người qua như mây khói, vì cớ gì ta cứ mãi khổ tâm?
Trong cõi hồng trần này, hết thảy phồn hoa, phú quý suy cho cùng cũng chỉ là vật ngoài thân. Hết thảy những tranh chấp danh lợi vừa đả thương người, cũng là đả thương chính mình.
Một chú cá nhỏ hỏi một con cá lớn rằng: “Tôi thường hay nghe mọi người kể những câu chuyện về biển cả. Biển cả rốt cuộc là gì vậy?“.
Cá lớn nói: “Cậu chính là đang sống trong biển cả, vậy nên cũng thuộc về biển cả. Thế mà cậu lại không tự biết, còn định đi đâu tìm kiếm biển cả đây?“.
Bản thân mỗi người chính là đang sống trong vui vẻ mà hưởng phúc của mình, thế mà cứ mãi không bằng lòng, cứ mãi còn muốn truy cầu đủ mọi thứ. Chẳng mấy ai hiểu rằng khi trong tâm không còn còn phiền não, hạnh phúc tự nhiên sẽ tìm được thôi.
Hãy thử nghĩ xem chúng ta có phải cũng giống như chú cá nhỏ đó không, có phải là thân đang sống trong biển cả, thuộc về biển cả mà cứ thắc mắc biển cả rốt cuộc là gì?
Bản thân mỗi người chúng ta chính là đang ở trong hạnh phúc, vui vẻ, lại còn muốn đi khắp nơi để kiếm tìm hạnh phúc. Đó chẳng phải là chuyện đáng cười sao?
Một người có được thành tựu, địa vị sẽ luôn cho rằng đây chính là những thứ anh ta có được mãi mãi. Thật ra chỉ là bản thân đang ở tạm được giàu sang, làm khách trong chốn danh lợi mà không tự biết.
Nếu muốn thấy được mình rốt cuộc đã thừa cái gì, thiếu điều chi, đời người huy hoàng thế nào thì đều không thể chỉ định vị bằng cái được và mất ở trước mắt ta.
Nhiều người cho rằng sở hữu những thứ tồn tại vật chất quanh mình, làm đẹp cho thân thể mình mới là thực sự “tìm được chính mình”. Nhiều người vẫn thường ngộ nhận như thế. Kỳ thực chúng hoàn toàn chỉ là thứ vỏ bề ngoài.
Thân thể của ta chỉ là một gian nhà, còn bản thân trí huệ của chúng ta, cá tính, bản ngã của chúng ta mới chính là chủ nhân đích thực. Ta thường bỏ công phu vào việc giữ gìn, sửa chữa bộ mặt của ngôi nhà ấy mà quên đi những điều chân thực nhất.
Bạn muốn thay đổi kiểu tóc hợp mốt, đeo lên trang sức vàng bạc đắt tiền, bận vào người những trang phục thời thượng nhưng đã bao giờ tự hỏi rằng mình có tin tưởng con tim hay không, có bao giờ nuôi dưỡng hạt mầm thiện lương, phúc báo hay không?
Phật gia giảng rằng chịu khổ chính là một cách để kết thúc cái bể khổ vô biên kia. Đời này chịu khổ thì đời sau nhận phúc báo. Kiếp này hưởng lạc thì kiếp sau có thể lại phải chịu khổ hơn. Đạo lý là như vậy.
Con người rất hay dễ bị những thứ lợi ích, thành tựu trước mắt che mờ lý tính và nhận thức. Càng chìm đắm vào chốn lợi danh, vào ái tình, tiền bạc thì trí huệ của người ta càng mờ dần, không thể hiển lộ. Họ sẽ càng mê mờ, không còn nhận ra ý nghĩa đích thực của sinh mệnh mình nữa.
Trước cửa nhiều ngôi chùa đều có câu: “Tiếng chuông sáng chiều đánh thức người đắm chìm trong danh lợi thế gian“.
Nếu muốn có được sự thuần tịnh, tỉnh táo trong tâm, muốn biết ta rốt cuộc là ai, sống vì mục đích gì thì chớ nhìn vào những được mất trước mắt vậy! Lợi ích vật chất luôn là thứ khiến người ta hao tâm tổn trí, tranh tranh đoạt đoạt. Có kẻ vì lợi mà làm không biết bao chuyện xấu, trái luân thường, nghịch đạo lý.
Tuy nhiên, trong cõi hồng trần này, hết thảy phồn hoa, phú quý suy cho cùng cũng chỉ là vật ngoài thân. Hết thảy những tranh chấp danh lợi vừa đả thương người, cũng đả thương chính mình. Người với người lui tới gặp nhau phần lớn cũng là khách qua đường, xa hoa hưởng lạc bất quá cũng chỉ là ở trong quán trọ trần gian một kiếp này thôi.
Nếu có thể xem nhẹ danh lợi, tiền tài, bạn sẽ tự khắc có được bình yên, thanh thản, tự khắc tìm thấy miền “Cực Lạc” ngay trong chính tâm hồn mình. Nếu có thể nhìn thấu hết thảy danh lợi trong đời chỉ như mây khói, liệu còn điều gì có thể khiến bạn phải đau buồn, khổ não nữa đây?
Hãy giữ tâm tình của mình như một dòng suối nhỏ trong vắt chảy trong khe núi… trong suốt, trong suốt mà tràn đầy sức sống. Hãy làm một bông hoa dã quỳ nở ngát trong núi sâu, không cầu được người đời biết đến vẫn cứ lộng lẫy giữa thế gian, bình thản đón nhận mùa đông khắc nghiệt…
Comment on “Hành Trình 297 ngày 24-10-2018 – 365 ngày.”