Là một doanh nhân, đối mặt với thử thách và thất bại là công thức đi đến thành công của doanh nghiệp. Rèn luyện tư duy tích cực có thể giúp bạn phát triển sự bền bỉ và khả năng va chạm.
•
“Con người luôn có những định kiến tiêu cực và thái độ bi quan về thất bại,” Matthew Dalla Porta, một nhà tâm lý học và chuyên viên cố vấn, cho biết. Bộ não luôn phản hồi và lưu trữ những thông tin xấu. Dù việc nhận thức được vấn đề và đối mặt với thất bại là bước đầu giúp ta tìm ra phương án giải quyết tối ưu, nhưng chúng ta thường xuyên dằn vặt bản thân về những lỗi lầm đã phạm phải.
Tập trung vào những yếu tố tích cực dần dần giúp chúng ta lấy lại cân bằng, sự lạc quan, động lực và năng suất làm việc, và đích tới là thành công. Khám phá 3 phương pháp rèn luyện tư duy tích cực dưới đây:
1. Thể hiện lòng biết ơn.
“Khi gặp khó khăn, bạn nên nhắc nhở bản thân về những điều thuận lợi,” Della Porta nói. Suy nghĩ tích cực giúp bạn lấy lại cân bằng, và tạo điều kiện cho não bạn nhận thức và ghi nhớ những điều tốt đẹp. Ít nhất một lần mỗi tuần, hãy thể hiện lòng biết ơn của bạn và nguyên do vì sao.
Hãy viết những điều may mắn bạn gặp được trong cuộc sống, như cơ hội được làm công việc bạn yêu thích, hoặc may mắn có được sự ủng hộ từ gia đình. Hàng tối, bạn cũng có thể viết lại những điều tốt đẹp xảy ra trong ngày. Tuy nhiên, hãy viết một cách xúc tích và dễ nhớ. Quá nhiều điều “may mắn” khiến những điều đặc biệt trở nên tầm thường.
2. Quả quyết khẳng định những điều tích cực
Bí quyết thành công của những nhà chính trị hoặc những người hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo là khi một thông điệp được lặp đi lặp lại nhiều lần, người nghe sẽ dễ có niềm tin vào thông điệp đó hơn. Tương tự, hãy lặp lại thông điệp về con người và khả năng của bạn vào mỗi buổi sáng.
Dần dần, não của bạn sẽ được rèn luyện kỹ năng để ghi nhớ những điều tích cực. Hãy chọn ra hai tới ba điều tiêu biểu cho những giá trị và mục tiêu của bạn, ví dụ như “tôi sẽ quyết tâm thực hiện dù có gặp khó khăn gì”, “còn nhiều thời gian”, “tôi đang dần tiến bộ hơn”. Việc lặp đi lặp lại những điều tích cực sẽ cải thiện sự kiên cường của bạn.
3. Thử thách những ý nghĩ tiêu cực
Mỗi khi có một ý nghĩ tiêu cực, chúng ta có quyền lựa chọn cách phản hồi. Theo phản xạ tự nhiên, chúng ta thường ghi nhớ những điều bất lợi. Não của chúng ta tập trung vào những yếu tố tiêu cực, khiến chúng trở nên nghiêm trọng hơn so với thực tế. Để sửa đổi, hãy nhìn những suy nghĩ tiêu cực như một vật thể riêng biệt để có quan sát khách quan hơn và loại bỏ chúng.
Sau đó, hãy thử thách những ý nghĩ quá tiêu cực và thiếu thực tiễn.
Ví dụ, nếu con đường khởi nghiệp không được bằng phẳng như bạn mong đợi, bạn có thể sẽ nghĩ rằng “mình là một kể bất tài.” Đó là những suy nghĩ không thực tế và bất lợi. Hãy tập tư duy theo hướng khác, ví dụ, “mình đã hết sức cố gắng làm việc, nhưng chưa thực sự nắm vững thị hiếu. Mình cảm thấy thất vọng, nhưng sẽ thu thập thêm thông tin và thử nghiệm lại.”
Đó là một cách tư duy tích cực, vị tha hơn, sát với thực tế hơn, và có khả năng khích lệ bạn. Việc suy nghĩ và nhìn nhận vấn đề một cách tích cực không hề dễ dàng, nhưng nếu bạn quyết tâm rèn luyện, bạn sẽ thành công.