HÀNH TRÌNH ĐÃ QUA NĂM 2019/2/25:
#56 Hành Trình ngày 25/02/2019 – 365 ngày: Làm người nên trọng đức khiêm tốn có vậy mới được người khác kính trọng và yêu mến thực sự.
Thành tín, trung thực là chìa khóa thành công.
Trong đạo kinh doanh của người xưa, sự thành tín, trung thực rất được coi trọng và gắn liền với những người thành công; trong khi đó những ai hám lợi lại thường không thành đạt, mặc dù họ có thể đạt được một số thành tựu nhất thời.
Những thương hiệu nổi tiếng lâu đời cho đến nay đều là nhờ giữ được chữ Tín trong công việc của họ, có thể kể đến các thương hiệu như: Honda, Samsung, Toyota…
Doanh nhân nổi tiếng người Nhật Bản, ông Kazuo Inamori luôn điều hành các công ty do mình tạo lập dựa trên nguyên tắc thành tín và trung thực. Ông là người sáng lập Tập đoàn Kyocera, công ty truyền thông KDDI và là Giám đốc điều hành của hãng hàng không Japan Airlines. Mặc dù là một doanh nhân, nhưng ông Kazuo Inamori còn được biết đến là người Nhật Bản đầu tiên được trao Giải thưởng Lòng bác ái của Quỹ Canergie (Mỹ) bởi những cống hiến và nhân cách sống của mình.
Xuyên suốt sự nghiệp kinh doanh, ông Kazuo Inamori luôn tin rằng việc tạo dựng một doanh nghiệp phải dựa trên những tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp khắt khe nhất. Nếu một người không có những tiêu chuẩn đạo đức cao, người đó không thể làm việc tốt. Người đó phải nâng cao đức tính của mình để phát triển công việc kinh doanh. Vì thế, bí mật thành công theo ông chính là phải nâng cao đạo đức.
Inamori thành lập Tập đoàn Kyocera khi mới 27 tuổi. Ông không có kinh nghiệm nào khi ấy và không biết phải tiến hành ra sao. Ông quyết định làm theo lời khuyên của cha mẹ và thầy giáo của ông về tầm quan trọng của sự trung thực, thành tín, biết ơn, kiên nhẫn, vị tha, siêng năng, tiết kiệm, chịu khổ, không oán hận hay ganh tị… Đây đều là những tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp căn bản.
Ông tìm thấy tất cả các câu trả lời trong những khó khăn dựa trên nguyên tắc xác định căn bản là những điều đó đúng hay sai, thiện hay ác. Với cách suy xét các vấn đề dựa trên các chuẩn tắc đạo đức và coi trọng sự thành tín, trung thực, Kazuo Inamori đã lãnh đạo công ty của mình đi đến thành công. Điều đó đã giúp đưa Tập đoàn Kyocera và công ty viễn thông lớn thứ hai Nhật Bản – KDDI của ông lọt vào Top 500 doanh nghiệp lớn do tạp chí Fortune xếp hạng.
Khi được hỏi về nguyên lý, nguyên tắc trong kinh doanh là gì, Inamori nói rằng nó không phải chỉ là lợi nhuận hay bộ mặt của công ty mà là ở chỗ phải có ích cho xã hội, có ích cho loài người. Cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm tốt nhất và dịch vụ tốt nhất mới là cái gốc của kinh doanh và phải trở thành nguyên tắc xây dựng doanh nghiệp.
Trong môi trường kinh doanh ngày nay, nhiều thương gia không còn coi trọng sự thành tín ấy, nhiều doanh nghiệp tận dụng tối đa các công cụ tiếp thị để làm mình trở nên nổi bật nhưng lại thiếu sự đầu tư đúng đắn vào con người và chất lượng dịch vụ như một chiến lược lâu dài. Nhiều nhà khởi nghiệp giàu lên nhanh chóng, mặc dù vậy, tiêu chuẩn chữ Tín trong kinh doanh dần dần bị xem nhẹ.
Thời xưa đã có một tích sự về việc một thương nhân không giữ chữ Tín trong công việc của mình, như sau:
Vào thời Xuân Thu chiến quốc, có một doanh nhân buôn bán sơn ở nước Yue tên là Ư Phú khao khát được trở thành doanh nhân giàu có khi chứng kiến những người cùng nghề làm ăn khấm khá.
Ư Phú nói chuyện với một người bạn là Cát Nhiên và hỏi ông ta làm thế nào để trở nên giàu có. Cát Nhiên trả lời: “Lúc này sơn đang rất cần, sao anh không trồng cây sơn, thu hoạch lá và bán sơn”. Ư Phú rất phấn khích và làm việc từ sáng sớm tinh mơ đến tối mịt sau khi Cát Nhiên kiên nhẫn dạy cho ông cách trồng cây sơn. Cuối cùng Ư Phú đã có một rừng cây sơn.
Ba năm sau, rừng sơn đã đủ lớn. Ư Phú vô cùng phấn khích với ý nghĩ ông có thể thu hoạch lá sơn và kiếm được thật nhiều tiền. Khi ông chuẩn bị đem sơn đến nước Ngô, người anh vợ của ông đến gặp. Người này bảo Ư Phú: “Tôi thường buôn bán ở nước Ngô và tôi biết cách bán sơn ở đó như thế nào. Nếu anh mà biết làm cho đúng cách, anh có thể kiếm được lợi nhuận gấp đôi”.
Ư Phú bị ý tưởng của người anh vợ thuyết phục, ông liên tục hỏi người anh vợ làm thế nào để nhân đôi lợi nhuận. Người anh vợ bảo: “Sơn đang có nhu cầu lớn, và tôi thấy nhiều thương gia buôn sơn đã nấu lá sơn và trộn nhựa cây vào trong sơn. Kết quả là, anh có thể nhân đôi lợi nhuận và người dân Ngô quốc không để ý đâu”. Với lòng háo hức muốn kiếm được thật nhiều tiền, Ư Phú không thể nào bỏ qua một ý kiến hay như vậy được, thế là ông nấu lá sơn thâu đêm và đem nhựa cây cùng với sơn đến nước Ngô.
Nghe tin Ư Phú mang sơn tới, các thương gia nước Ngô rất vui mừng. Họ ra khỏi thành chào đón và chu cấp chỗ ăn chỗ ở cho ông. Họ xem sơn của ông và rất hài lòng khi thấy sơn có chất lượng tuyệt hảo. Họ ngã giá và đóng dấu các kiện hàng; họ muốn lấy sơn ngay ngày hôm sau.
Sau khi các thương gia rời khỏi, Ư Phú gỡ các dấu niêm phong ra và thêm nhựa cây vào. Ông rất vội vàng, vì thế có nhiều dấu vết để lại. Các thương gia trở lại vào ngày hôm sau, thấy các dấu niêm phong đã bị đụng đến và trở nên nghi ngờ. Họ xin cáo lỗi hẹn gặp lại sau vài ngày nữa và bỏ đi.
Ư Phú ở lại quán trọ trong nhiều ngày nhưng các thương gia không xuất hiện trở lại. Hơn nữa, sơn đã thay đổi chất lượng sau khi nhựa cây được thêm vào. Kết quả là, Ư Phú đã không thể bán được dù chỉ một chút sơn nào. Các doanh nhân nước Ngô khi nghe nói về chuyện đó đều bảo: “Để là một doanh nhân, anh phải có chữ Tín và lòng chân thật, và anh không thể lừa gạt người ta. Không ai cảm thấy thương hại anh, bởi anh đã tự mang khổ ải đến cho bản thân mình”.
Ư Phú không thể trở về nhà bởi ông không còn chút tiền nào. Ông trở thành một người ăn xin và thường bị người ta cười nhạo. Cuối cùng, ông đã chết một cách bần cùng và tủi nhục ở nước Ngô.
Có một quy tắc được đưa ra bởi Suzy Welch – một nhà báo chuyên viết về các đề tài kinh doanh được đăng tải trên tạp chí Bloomberg Businessweek và O Magazine là 10/10/10. Quy tắc này nghĩa là hãy tưởng tượng những điều bạn làm sẽ như thế nào trong 10 phút sắp tới, sau đó là 10 tháng, và trong 10 năm tới thì việc mà bạn thực thi đó sẽ có ảnh hưởng như thế nào. Phương thức tư duy vấn đề này có thể đưa đến cho chúng ta cách nhìn nhận vấn đề toàn cục và dài hạn hơn.
Ai đó đã nói rằng “thành công là hành trình chứ không phải đích đến”, hay nói cách khác kết quả là sự kết tinh của quá trình làm việc, nghiên cứu không ngừng nghỉ.
Hy vọng đạt được thành công trong công việc và thương hiệu được nhiều người biết đến là mong muốn chính đáng của các nhà kinh doanh, tuy nhiên, để được công nhận và thành công lâu dài thì cần có tầm nhìn dài hạn với một ý thức trách nhiệm cao. Với tầm nhìn 10/10/10, thành công không còn là điều gì đó quá đỗi cao xa hay là niềm thích thú nhất thời, bởi thành công nằm ngay trong hành trình với sự thành tâm, thành ý mang đến lợi ích cho người khác từ chính những việc làm mỗi ngày.
Comment on “#056 Hành Trình ngày 25/2/2020 – 365 ngày: Thành tín, trung thực là chìa khóa thành công”