Bạn đã bao giờ nghe về “Tháp nhu cầu Maslow” chưa?
Maslow là một nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ, năm 1943 ông đưa ra một thuyết tâm lý học về tháp nhu cầu của con người. Sau này, người ta dùng chính tên của ông để đặt cho tháp nhu cầu này.
Qua thời gian, lý luận của ông đã được kiểm chứng, hiện nay thuyết tâm lý học này được áp dụng trong rất nhiều lĩnh vực từ phát triển bản thân, đến Marketing và quản lý doanh nghiệp.
Hãy cùng tìm hiểu tháp nhu cầu Maslow là gì và tại sao nó lại trở nên phổ biến như vậy.
MASLOW VÀ TÂM LÝ HỌC NHÂN VĂN
Maslow tên đầy đủ là Abraham Maslow (1908 – 1970) là nhà tâm lý học người Mỹ, và được coi là cha để của Tâm lý học nhân văn.
Tâm lý học nhân văn ra đời như một khuynh hướng đối lập với Phân tâm học và Tâm lý học hành vi. Nếu Phân tâm học lấy điều kiện bên trong, Tâm lý học hành vi lấy điều kiện bên ngoài làm nguyên tắc quyết định cho tâm lý con người, thì Tâm lý học nhân văn là sự tổng hợp của nhiều khuynh hướng mới và nhiều trường phái khác nhau.
Tâm lý học nhân văn quan niệm rằng mỗi con người là một cá nhân có ý thức. Do đó con người phải cảm nhận được những gì xảy ra bên trong và cả những gì diễn ra bên ngoài họ.
Ngoài ra, bố mẹ của Maslow là người Nga gốc Do Thái. Ông là con trai cả trong gia đình có 7 người anh em. Tuy nghèo, nhưng từ nhỏ vì những kì vọng của gia đình ông đã cố gắng vươn lên bằng con đường học vấn.
Đây cũng có thể chính là một trong những yếu tố đã ảnh hưởng, tạo động lực cho ông viết nên thuyết tâm lý tháp nhu cầu này.
THÁP NHU CẦU MASLOW LÀ GÌ?
Lần đầu tiên Maslow đưa ra thuyết về tháp nhu cầu của mình là vào năm 1943 trong một bài luận văn.
Theo Maslow, nhu cầu của con người được chia ra thành 5 cấp bậc. 5 cấp bậc đó là:
- Nhu cầu sinh lý
- Nhu cầu an toàn
- Nhu cầu xã hội
- Nhu cầu được quý trọng
- Nhu cầu được thể hiện mình, khẳng định bản thân
Liên quan đến những nhu cầu này, Maslow có đưa ra 1 hình tháp như sau:
Theo Maslow, càng ở vị trí thấp thì nhu cầu đó càng mạnh, và con người sẽ có xu hướng ưu tiên hơn cho những nhu cầu đó.
Điều đó cũng có nghĩa là, nếu như nhu cầu ở vị trí thấp chưa được thỏa mãn thì những nhu cầu cao hơn sẽ bị kiếm chế.
Cũng có thể hiểu là khi nhu cầu ở vị trí thấp đươc thỏa mãn, con người sẽ tiến đến nhu cầu cao hơn ở ngay trên nó, và cứ như vậy đi lên đến đỉnh của tháp tâm lý này.
Maslow có nói thêm, con người sẽ tìm đến nhu cầu cao hơn khi nhu cầu họ đang theo đuổi được thỏa mãn “một phần nhất định” nào đó. Việc nhu cầu được thỏa mãn hoàn toàn một cách toàn diện là không thể.
TẦNG 1: NHU CẦU SINH LÝ
Đây chính là những nhu cầu cơ bản cần thiết nhất để con người có thể sống. Ví dụ như ăn, uống, ngủ,..
Nếu không có đủ những thứ này, chắc chắn con người sẽ không thể sống được.
Phần lớn động vật ở trên thế giới chỉ sống với những nhu cầu ở tầng này. Tuy nhiên, con người của chúng ta hầu hết đều tiến lên tầng tiếp theo.
TẦNG 2: NHU CẦU AN TOÀN
Sau khi nhu cầu sinh lý được thỏa mãn, đây là nhu cầu được sống một cuộc sống an toàn, ổn định.
Khi mà đã có đủ đồ ăn, thức uống để duy trì được sự sống, con người chúng ta sẽ có mong muốn được ăn những sản phẩm tốt, an toàn, được sống ở những nơi ít nguy hiểm như thiên tai, thú dữ,..
Trong thuyết nhu cầu của mình, Maslow chỉ nói đến an toàn về “thân thể”, nghĩa là tránh những nguy hiểm, rủi ro ảnh hưởng trực tiếp đến mình. Tuy nhiên, ở vào thời đại hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng, nó còn đúng với cả an toàn về mặt “tinh thần”, nghĩa là con người chúng ta sẽ có nhu cầu để tìm kiếm cả sự “an tâm” trong mức nhu cầu này.
TẦNG 3: NHU CẦU XÃ HỘI
Sau khi nhu cầu an toàn được thỏa mãn, đây là nhu cầu được gia nhập vào xã hội, hay nói cách khác là nhu cầu có gia định, bạn bè của con người.
Nói một cách cụ thể, nhu cầu này sẽ khiến con người muốn gia nhập vào một nhóm hay tổ chức nào đó. Từ thời nguyên thủy, con người đã có nhu cầu sống theo bày đàn, thời đại hiện nay thì nó thể hiện ở những hành động như kết bạn, tìm người yêu, lập gia đình, tham gia các câu lạc bộ,..
Nếu nhu cầu này không được thỏa mãn, con người sẽ cảm thấy cô độc, dần dần cảm thấy bất an với xã hội, môi trường sống xung quanh, và có thể sẽ dẫn đến những bệnh về tinh thần.
TẦNG 4: NHU CẦU ĐƯỢC TÔN TRỌNG
Sau khi thỏa mãn nhu cầu được gia nhập và nhóm hay tổ chức, con người sẽ phát sinh nhu cầu muốn những người khác trong nhóm, tổ chức đó tôn trọng, khâm phục.
Mong muốn thành công trong công việc cũng chính là nhu cầu này. Sau khi thỏa mãn được 3 nấc thang ở tầng dưới đều là do những “yếu tố bên ngoài” tạo nên, lần này con người sẽ muốn được thỏa mãn cả “yếu tố bên trong” nghĩa là trái tim, cảm giác của mình.
Theo Maslow, tầng nhu cầu thứ 4 này được chia làm 2 cấp độ.
Cấp độ thấp là nhu cầu được thỏa mãn khi được người khác chú ý, tôn trọng, đánh giá cao.
Cấp độ cao là nhu cầu được sinh ra khi con người tự đặt ra mục tiêu, ý thức được việc mình sẽ được tôn trọng khi đạt đươc điều đó và cuối cùng đạt được nó.
Nếu như không đạt được những điều này, con người cảm thấy mình thiếu năng lực và dễ rơi vào trạng thái tự ti.
Ngược lại, nếu như nhu cầu này được thỏa mãn, chúng ta sẽ tiến lên tầng thứ 5.
TẦNG 5: NHU CẦU ĐƯỢC THỂ HIỆN MÌNH, KHẲNG ĐỊNH BẢN THÂN
Đây là nhu cầu “được là chính mình” – cũng là tầng cao nhất trong tháp nhu cầu của Maslow.
Khi đã thỏa mãn được cả 4 tầng nhu cầu trên, con người sẽ muốn “được là chính mình”, được làm những thứ mà mình nghĩ rằng mình sinh ra để làm. Nói một cách đơn giản, đây là nhu cầu được sử dụng hết khả năng, tiềm năng của mình để tự khẳng định bản thân, để làm việc, đạt các thành quả trong xã hội.
Các bạn có hiểu tại sao Chủ tịch đồng thời là nhà sáng lập của Trung Nguyên Cafe Đặng Lê Nguyên Vũ đột nhiên bỏ tất cả để lên núi tập trung cho thiền, hay doanh nhân nổi tiếng người Nhật Inamori Kazuo (người sáng lập tập đoàn Kyocera) cũng đột nhiên quyết định đi tu không? Đó chính là vì những người đó đang ở tầng này của tháp nhu cầu Maslow, họ đang đi tìm những thứ mà “mình sinh ra để làm”.
Thực tế thì trên thế giới cũng không có nhiều người có thể đạt được đến tầng thứ 5 này của tháp nhu cầu Maslow.
※Sau khi công bố chính thức về thuyết tâm lý tháp nhu cầu của mình, thì trước khi mất Maslow có bổ sung thêm tầng thứ 6 của tháp nhu cầu. Tầng thứ 6 đó dịch ra tiếng Việt là “Bản thân siêu việt”.
Khi đạt được đến tầng này, con người quên hết tất cả, chỉ tập trung vào việc “Thực hiện và hoàn thành mục đích của mình”.
Theo chính Maslow, người có thể thỏa mãn tầng thứ 6 này là rất ít, nó chỉ chiếm khoảng 2% tổng số người trên thế giới này.
TỔNG KẾT
Các bạn nghỉ như thế nào về tháp nhu cầu Maslow này?
Cá nhân mình thì nghĩ rằng mặc dù được đưa ra từ khá lâu rồi nhưng nó vấn đang là một trong những thuyết tâm lý phản ánh chân thật nhất những mong muốn, nhu cầu của con người.
Tìm hiểu về việc con người muốn gì vẫn sẽ luôn là chủ để được tất cả mọi người quan tâm. Đó cũng chính là lý do mà hiện nay thuyết tâm lý của Maslow được sử dụng rất rộng rãi trong cả cuộc sống hàng ngày, marketing hay quản lý doanh nghiệp.
Hãy thử suy nghĩ xem bạn đang ở tầng thứ mấy trong tháp nhu cầu Maslow và bạn đang cố gắng điều gì.
Chỉ có bạn mới là người hiểu mình nhất.
Hi vọng bạn sẽ có những hướng đi đúng cho cuộc đời và công việc của mình.