3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH
LỜI MỞ ĐẦU
Từ khi sinh ra, con người đã mang trong mình những cảm xúc, khả năng suy nghĩ, tư duy; đã biết ước mơ và luôn mong muốn biến giấc mơ thành sự thật. Suy nghĩ gắn liền với cảm xúc chính là khả năng đặc biệt tạo nên sự khác biệt rõ rệt giữa loài người và các giống loài khác. Chính khả năng này sẽ giúp con người biến những giấc mơ của mình thành sự thật chứ không phải bất cứ một thế lực siêu nhiên nào khác.
CHƯƠNG 1: BIẾN GIẤC MƠ THÀNH SỰ THẬT
Cuốn Bí mật (The Secret) dạy bạn rằng nếu bạn mong muốn một điều gì đó thì bạn phải tuân thủ theo Quá Trình Sáng Tạo gồm ba bước yêu cầu, tin tưởng và đón nhận. Bạn cần phải yêu cầu thì cả vũ trụ mới biết điều bạn mong muốn. Sau đó, bạn cần tin tưởng rằng yêu cầu của bạn đã được chuyển đi, và bước cuối cùng, cũng là bước quan trọng nhất – đó là đón nhận, nghĩa là bạn phải khơi gợi được tất cả những cảm xúc tươi sáng, mãn nguyện và vui sướng đúng như khi điều ước của bạn đã thực sự trở thành sự thật. Trong ba bước của Quá Trình Sáng Tạo này, bước gây cản trở lớn nhất khiến cho mọi người khó lòng ứng dụng Bí mật thành công, chính là bước thứ ba. Hầu hết mọi người đều không gặp khó khăn gì khi Yêu cầu và Tin tưởng nhưng cách bạn Đón nhận đúng hay sai tạo ra sự khác biệt giữa thành công và thất bại trong mọi vấn đề: Sức khỏe, các mối quan hệ, tài chính, hay bất kỳ lĩnh vực nào mà bạn mong muốn cải thiện trong cuộc sống của mình.
Yêu cầu là định hình một mục đích rõ ràng. Đây chính là quá trình bạn khắc sâu điều mình mong muốn trong suy nghĩ. Khi bạn định hình mục đích của mình, bạn sẽ không cầu xin ân huệ của một vị thánh hay một đấng toàn năng nào nữa. Chúng ta tạo nên vũ trụ chứ vũ trụ không tạo nên được chúng ta. Nếu bạn chìm sâu trong những giấc ngủ không mộng mị và chẳng có một giác quan nào của bạn hoạt động thì không khác nào vũ trụ của bạn đã ngưng tồn tại. Tất cả những gì ở xung quanh mà chúng ta có thể nhìn thấy hoặc chạm được vào đều là có thực chỉ khi chúng còn liên hệ với giác quan nào đó của mình(1). Các loài vật khác nhau với nhiều mức độ cảm nhận sẽ có vô số góc nhìn khác nhau về thế giới. Ví dụ như các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, trong khi con người chúng ta bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của một vườn hoa rực rỡ sắc hương, thì các chú ong lại có thể nhìn thấy quang phổ ánh sáng rộng hơn, và nhờ thế, chính màu sắc hoặc đường nét của những bông hoa mà chúng ta không thể nhìn thấy được lại có chức năng như một tấm bản đồ hướng dẫn các chú tìm được đến với phấn và mật hoa.
Bước thứ hai của Quá Trình Sáng Tạo là Tin tưởng. Niềm tin là thứ bạn cần phải có trong bước này. Có niềm tin nghĩa là bạn phải nhận ra giá trị của những gì bạn đã yêu cầu, thực sự cảm thấy rằng nó sẽ làm bạn mãn nguyện và chắc chắn là mình sẽ nhận được nó. Điều này sẽ giúp bạn tập trung tốt hơn vào mục đích của mình và đưa bạn tiến gần hơn đến đích. Niềm tin mang lại cho bạn khả năng cống hiến toàn bộ con người mình cho một điều duy nhất, và nó sẽ trở thành sức mạnh của sự tin tưởng. Hãy tin vào chính mình. Sự tự tin là bản chất của Đạo Phật và sức mạnh của nó thì không thể đánh giá hết được.
Ít yêu cầu và thiếu tin tưởng sẽ khiến bạn khó thành công. Có thể bạn tin rằng mình đã có được những gì mình khao khát, nhưng có lẽ bạn đã bỏ lỡ những cảm xúc khi bạn chạm được đến cái đích của mình.
Ví dụ như việc kiếm được nhiều tiền hơn là mục tiêu của bạn và bạn tin rằng mình đã kiếm được nhiều tiền hơn thật, nhưng những cảm xúc này sẽ chẳng thấm vào đâu so với sự choáng ngợp mà bạn có nếu tự nhiên ai đó trao vào tay bạn một vali đầy ắp tiền mệnh giá lớn. Khả năng tập trung những cảm xúc này sẽ quyết định bước thứ ba, Đón nhận. Với bước cuối cùng này, bạn sẽ ghi sâu trong đầu những gì mà chúng ta thường gọi là hình ảnh tâm lý giàu cảm xúc khi bạn đạt được mục đích của mình cùng với tất cả sự trân trọng và niềm vui sướng sẽ ùa đến với sự kiện có thực này.
Vậy nên quan trọng là cần nhận ra rằng Quá Trình Sáng Tạo không chỉ đơn giản liên quan tới suy nghĩ mà còn đòi hỏi cảm xúc phải làm việc ở nhiều cấp độ khác nhau. Nó cần tới sức mạnh của những hình ảnh tâm lý giàu cảm xúc.
“Càng tập trung nhiều vào một mục đích xác định, sẽ càng tận dụng được vô vàn các sự kiện trong không gian-thời gian để đạt được kết quả mà ta mong muốn.”
– DEEPAK CHOPRA,
Bảy quy tắc tinh thần của thành công (The Seven Spiritual Laws of Success)
NHỮNG HÌNH ẢNH SÁNG RÕ CỦA THÀNH CÔNG
Giấc mơ có trở thành hiện thực trong cuộc sống của bạn hay không phụ thuộc vào mức độ rõ ràng của thông điệp bạn gửi vào vũ trụ, nghĩa là hình ảnh tâm lý giàu cảm xúc mà bạn tạo ra là gì. Những hình ảnh này, sự rung động và những cảm xúc dẫn dắt chúng, sẽ quyết định Luật Hấp Dẫn trở thành hiện thực như thế nào trong cuộc sống của bạn. Nếu bạn có thể gợi lên những hình ảnh sáng rõ trong đầu rồi thổi vào đó cảm giác sâu sắc và mãnh liệt của bạn – cảm giác mong muốn đạt được mục tiêu, bạn đã gia tăng nhiều lần cơ hội biến ước mơ của mình thành sự thật.
Ai cũng có thể tưởng tượng mình đạt được mục đích hay có được một điều gì đó mà mình đã khao khát từ lâu. Giả sử như khi bạn nghĩ tới một chiếc ô tô trong mơ, bạn có thể gọi ngay lên trong đầu mình hình ảnh cụ thể của nó. Điểm tạo nên sự khác biệt giữa một mơ ước viển vông với việc biến ước mơ thành hiện thực – đặt bạn ở vị trí điều khiển chiếc xe trong mơ – chính là khả năng truyền cảm xúc vào những hình ảnh tâm lý này. Hình ảnh đó càng rực rỡ và giàu cảm xúc trong đầu bạn bao nhiêu thì nó sẽ càng rõ ràng bấy nhiêu cho đến khi nó thực sự hiện ra trong cuộc sống của bạn.
Tất cả các loài động vật có vú – lợn, chó, khỉ hay con người – đều có những hình ảnh tâm lý. Điểm khác biệt giữa chúng ta và các giống loài khác chính là khả năng truyền cảm xúc vào những hình ảnh này. Những loài động vật có vú khác thiếu khả năng tưởng tượng và tư duy để có thể thực hiện được điều đó. Chúng ta thường cho rằng tưởng tượng cũng chỉ là một công việc ở cùng mức độ tư duy với não bộ, nhưng khi đặt thêm vào những tưởng tượng đó các cung bậc cảm xúc, ta đã đưa nó đến một mức độ nhận thức cao hơn. Ở cấp độ này, chúng truyền cho ta năng lượng mạnh tới mức có thể đạt được bất kỳ điều gì ta mong muốn.
QUÁ KHỨ, TƯƠNG LAI… TẤT CẢ ĐỀU LÀ NHỮNG HÌNH ẢNH TÂM LÝ
Đa số chúng ta đều phân biệt giữa hình ảnh chúng ta lưu lại về quá khứ (ký ức) với những câu chuyện mà ta tưởng tượng ra. Chúng ta luôn nghĩ ký ức là thật còn những chuyện kia chỉ là ảo. Nhưng nếu nhìn một cách sâu sắc hơn, ta sẽ nhận ra, thực chất chúng chỉ là một mà thôi. Những nhà thần kinh học quả quyết rằng chúng ta không thể phân biệt giữa ký ức với những hình ảnh được tạo ra không dựa trên sự tiếp xúc trực tiếp với một trong năm giác quan. Khác biệt duy nhất giữa hai loại hình ảnh này chỉ là mức độ rõ ràng của chúng. Nếu bạn có thể tạo ra một hình ảnh tâm lý thật rành mạch, cảm xúc sẽ tác động và ý tưởng sẽ đi từ một tưởng tượng đơn thuần đến thực tế.
Nhiều thí nghiệm đã chứng minh rằng tưởng tượng đơn thuần về một trải nghiệm nào đó cũng tác động lên não bộ của chúng ta mạnh như khi chúng ta thực hiện nó trong thực tế; trong cả hai trường hợp này, não bộ sẽ phản ứng lại bằng cách tạo ra những liên hệ thần kinh để trả lời cho các kích thích. Não bộ không phân biệt giữa ký ức hay tưởng tượng. Khi chúng ta tưởng tượng một điều gì đó thường xuyên, suy nghĩ đó sẽ mạnh lên và chúng ta bắt đầu thực hiện một quy trình mà về cơ bản là khác biệt với những gì ta đã từng mong đợi. Thay vì trải nghiệm những cảm xúc này qua năm giác quan rồi sau đó chuyển thể chúng thành dữ liệu đầu vào cho các hình ảnh tâm lý thì chúng ta lại bắt đầu ngay với hình ảnh tâm lý và rồi sau đó chiếu chúng vào thế giới và biến chúng thành hiện thực.
Đức Phật dạy “duyên khởi” để giải thích cho mối quan hệ nhân – quả trong sự luân hồi bất tận của con người trong vòng quay cuộc sống. Khi một mối liên hệ nào đó được tạo lập, thế giới bên ngoài được lĩnh hội qua cánh cửa của các giác quan, mắt để nhìn, mũi để ngửi… Khi đã có liên hệ này, cảm xúc dễ chịu hay khó chịu hoặc trung tính sẽ xuất hiện trong ta.
Khát vọng cũng sẽ nảy sinh tương ứng với những cảm xúc này. Đảo ngược trình tự sẽ là thế này: Khao khát ⇒ Cảm xúc ⇒ Liên hệ ⇒ Giác quan lĩnh hội thế giới bên ngoài.
Khát vọng và cảm xúc trong vòng quay này sẽ tạo ra một bức tranh trong đầu ta. Khi bức tranh này đạt được mức năng lượng đủ lớn, nó sẽ xuất hiện, năm giác quan của ta sẽ liên hệ với hiện thân của hình ảnh này theo cách phù hợp với khát vọng của ta.
Bằng cách tạo ra một hình ảnh thật rõ ràng về tương lai với những cảm xúc mãnh liệt, rõ ràng như những hình ảnh về quá khứ, bạn sẽ có thể biến chúng trở thành hiện thực. Khi những hình ảnh này trở thành một phần của ý thức cao hơn trong bạn, một số người thích gọi đó là sự tự tôn về tinh thần, bạn thực sự có thể bắt đầu tạo dựng tương lai cho mình.
Theo các nhà lý thuyết lượng tử, có vô số tương lai có thể xảy ra nhưng chỉ có một tương lai sẽ đến. Điều đó có nghĩa là tương lai mà bạn sẽ trải nghiệm phụ thuộc hoàn toàn vào những hình ảnh trong đầu bạn bởi bạn là người duy nhất có khả năng tạo ra số phận của mình.
Hầu hết mọi người đều từng có những trải nghiệm với ký ức ảo giác. Dù biết chắc đây là lần đầu tiên gặp con người này, đến nơi này hay ở trong hoàn cảnh này nhưng chúng ta lại có cảm giác dường như mình đã từng gặp trước kia.
Nếu nhìn nhận ký ức ảo giác dưới lăng kính của Luật Hấp Dẫn, chúng ta sẽ hiểu rằng hẳn là thực tế này đã được tạo ra bằng chính những suy nghĩ của mình.
Điều này thường xảy ra trong các giấc mơ, khi chúng ta xem ti vi hoặc đọc sách, khi mà tư duy của ta mở rộng và đón nhận thông tin một cách vô thức – những hình ảnh tâm lý này có thể thâm nhập vào đầu óc của ta và rồi ta có thể sẽ gặp lại trong tương lai. Ký ức ảo giác thực chất chỉ là sự tái hiện những hình ảnh này từ trong tư duy vô thức của chúng ta. Nếu để tâm đến những bức tranh tư duy này và tìm cách làm rõ hình ảnh trong đầu mình, chúng ta sẽ khiến chúng từ đáy sâu của vô thức nổi lên bề mặt của thế giới thường nhật.
Một số người mang trong mình khả năng mà chúng ta gọi là “linh cảm”: những hình ảnh trong đầu họ về một sự kiện nào đó sau này trở thành sự thật. Nhưng thực chất nó chính là hình ảnh tâm lý được hiện thực hóa mà thôi. Vậy nên bạn đừng kinh ngạc nếu một sự kiện trong tương lai một khi đã được khóa chặt trong đầu óc của chúng ta như một hình ảnh tâm lý, nó sẽ trở thành hiện thực vào đúng thời điểm.
Nếu bạn đã từng trải nghiệm ký ức ảo giác thì bạn cũng đã có một hình ảnh tâm lý trong đầu mình dưới dạng linh cảm mà bạn không hề hay biết. Tuy nhiên, đôi khi, chúng ta cũng thực sự biết về nó. Vô thức cảnh báo chúng ta về những mối nguy hiểm sắp xảy đến, ví dụ như vô số các dẫn chứng về những người đã tránh được những vụ tai nạn máy bay thảm khốc. Họ đã mua vé, ra sân bay nhưng đến phút cuối, một nỗi lo lắng nào đó đã giữ họ ở lại mặt đất và cứu sống họ. Rất nhiều người từng mua vé trên con tàu Titanic nổi tiếng đã hủy chỗ của mình vì họ mơ thấy con tàu này sẽ đắm. Những hình ảnh này xảy ra với hầu hết chúng ta một hoặc hai lần trong đời và thường rơi vào những thời điểm sắp xảy ra thảm họa.
KHI BẠN NGHĨ ĐẾN THÀNH CÔNG, BẠN SẼ THÀNH CÔNG
Khi hai người cùng nhắm đến một đích, người nào có hình ảnh tâm lý giàu cảm xúc rõ ràng hơn về thời điểm đạt được mục tiêu, người đó sẽ thành công. Ví dụ, nếu như bạn đang trên đường đua, bạn có thể hình dung cảnh mình đứng trên bục chiến thắng, hiên ngang ở vị trí thứ nhất và đối thủ của bạn cũng có những hình ảnh tương tự. Lý thuyết lượng tử nói rằng cả hai hình ảnh này đều có khả năng xảy ra, vấn đề là hình ảnh nào sẽ thực sự trở thành hiện thực. Trong ví dụ này, nếu hình ảnh về chiến thắng của bạn mạnh hơn, rõ ràng hơn và tràn đầy cảm xúc hơn so với đối thủ, sự thật sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc sẽ chứng minh bạn là người chạm đích đầu tiên.
Mở rộng ra ngoài phạm vi bản thân mình, sự khích lệ và niềm tin về những gì xung quanh có sức mạnh lớn trong việc xác định kết quả của một tình huống. Ví dụ như nếu con gái bạn đang trong một cuộc thi và bạn thực sự tin tưởng rằng cô bé sẽ chiến thắng, bạn sẽ giúp hiện thực hóa hình ảnh này cho cả hai người.
Một vận động viên có khả năng gắn chặt bức tranh tâm lý chiến thắng trong đầu mình sẽ thấy nó là một điều không thể khác và sẽ trở nên tràn đầy tự tin trên trường thi đấu. Đó là niềm tin không thể lay chuyển.
“Hãy nghĩ xem con muốn làm gì, muốn có gì và muốn trở thành người như thế nào. Hãy nghĩ về những mong muốn đó thường xuyên cho đến khi con đã rất rõ ràng về nó. Sau đó, khi con đã rất rõ ràng, đừng nghĩ về bất kỳ điều gì nữa. Không tưởng tượng bất kỳ khả năng nào khác. Vứt bỏ tất cả những suy nghĩ tiêu cực ra khỏi cấu trúc tư duy tâm lý của mình. Thoát khỏi sự bi quan. Giải phóng mọi gánh nặng. Chống lại nỗi sợ hãi. Rèn luyện tâm trí mình để giữ vững những tư tưởng sáng tạo nguyên sơ.”
Luật Hấp Dẫn – Bí mật tối cao khuyến khích con người quan tâm hơn đến suy nghĩ của bản thân mình đồng thời khẳng định sức mạnh của cảm xúc trong trí óc con người. Cuốn sách giúp nhìn nhận vai trò của cảm xúc trong việc định hình thực tế. Chỉ suy nghĩ thôi thì không làm được gì cả. Đây là một Quá Trình Sáng Tạo hoàn chỉnh gồm các bước yêu cầu, tin tưởng và đón nhận. Ba bước này tạo ra một nguồn năng lượng thúc đẩy chúng ta hướng tới thành công đồng thời giúp chúng ta có được những thái độ tích cực cùng các kỹ năng suy nghĩ sáng tạo để đạt được thành công. Những giải thích chi tiết về cách thức hoạt động của nó sẽ được đưa ra cặn kẽ trong các phần của cuốn Luật Hấp Dẫn – Bí mật tối cao.
Hầu hết mọi người theo đuổi không mệt mỏi sự đầy đủ mang tính vật chất trong suốt cả cuộc đời, nhưng niềm hạnh phúc trọn vẹn vẫn lảng tránh họ và cuối cùng họ ra đi mà vẫn không thấu hiểu được hạnh phúc thực sự là gì. Đầu óc họ quá bận bịu với sợ hãi và tham vọng nên bất kỳ cảm giác hạnh phúc nào đều không thể kéo dài. Mặt khác, có vô số ví dụ về những người đạt được thành công – hạnh phúc tinh thần trọn vẹn từ bên trong con người và cuối cùng cũng vẫn tận hưởng một cuộc sống vật chất sung túc. Hạnh phúc thực sự không phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài, mặc dù nó vẫn phải được nuôi dưỡng về mặt vật chất.
Mục đích của cuốn Luật Hấp Dẫn – Bí mật tối cao là mang lại cho các bạn một sự giải thích rõ ràng về tác động của Luật Hấp Dẫn dựa trên cả tư tưởng của tâm lý học hiện đại và sự thấu đạt những giáo lý của đạo Phật.
Đạo Phật không phải là lĩnh vực về niềm tin hay tôn giáo mà tập trung sâu hơn vào sự phát triển của tư duy. Bạn mở mang trí tuệ của mình bằng cách thực tập nhận thức hiện tại. Mục đích của việc luyện tập này là học hỏi nhiều hơn về những hoạt động bên trong của trí óc và quan sát xem suy nghĩ cùng cảm xúc được nảy sinh như thế nào. Một khi bạn đã hiểu được bản chất thực sự của đầu óc mình, bạn có thể kiểm soát tốt hơn những hoạt động bên trong và nắm bắt được những cảm xúc đang xuất hiện trong bạn. Khi bạn đã điều khiển được suy nghĩ và cảm xúc của mình, chính là nguồn gốc của nỗi đau, bạn sẽ trở bên bình thản và an nhiên.
Cho đến khi bạn đạt được tới trạng thái thức tỉnh hoàn toàn và liên tục, bạn sẽ nhìn thấy toàn bộ chân lý trong vũ trụ về bản thân mình và bạn sẽ được giải thoát khỏi mọi nỗi đau. Bạn sẽ hiểu Luật Hấp Dẫn – Bí mật tối cao, điều đã thức tỉnh bạn tới mục đích tối thượng của loài người – Sự giác ngộ.
DẪN NHẬP:
Năm 1666, Isaac Newton đang ngồi dưới một tán cây thì đột nhiên, cuộc sống của ông và toàn bộ hiểu biết của loài người thay đổi mãi mãi. Ông không chỉ bị tác động bởi quả táo nổi tiếng đó mà còn do một nhận thức rõ ràng vụt sáng lên trong một khoảnh khắc tuyệt vời: Vận tốc chỉ là tạm thời và có một lực khiến nó thay đổi. Khám phá của Newton về thuyết hấp dẫn và quy luật của trọng lực bắt nguồn từ một thời khắc đơn lẻ của việc tập trung thuần túy đã mang tới cuộc cách mạng cho cả loài người trong cách thức nhìn nhận thế giới.
Năm 443 trước Công nguyên, Thái tử Siddhartha Gautama khi ngồi dưới tán cây đã thâm nhập vào chiều sâu của tư duy và trở thành một con người được khai sáng hoàn toàn – Đức Phật. Dù chỉ tập trung hướng vào bên trong để nghiên cứu các hiện tượng thể chất và tinh thần, Ngài vẫn đưa ra một nghiên cứu chi tiết và cẩn thận. Từ sự quan sát của mình, Ngài nhận ra được Luật Vô Thường: Vạn vật sinh và diệt như thế nào. Và cũng trong thời khắc tập trung ấy, Ngài không chỉ nhìn thấy mối quan hệ giữa các sức mạnh tương tác mà còn cả con đường thoát khỏi khổ đau cho loài người.
Cả hai hình tượng này, khi đang chìm sâu suy nghĩ dưới gốc cây của riêng mình, đều đã hấp thụ được những quy luật vận hành cả vũ trụ. Newton đưa ra cho cả thế giới cái nhìn ban đầu về Luật Hấp Dẫn bằng những nhận biết về sự tương tác của các lực. Đức Phật nhìn sâu vào bên trong và cũng thấy những mối quan hệ mà Newton đã nhận ra cùng vô vàn các bí mật về bản chất vũ trụ. Hai hình tượng này đã mang lại những món quà là hiểu biết vô giá cho loài người và những người khác đã, đang và vẫn tiếp tục kế thừa, mở ra những bước tiến mới trong tư duy và hiểu biết của con người.
Sự tiến hóa của loài người đã kéo dài hơn 200.000 năm. Nếu so sánh với loài chim và bò sát là hai loài đã phát triển trong hơn một triệu năm, chúng ta thực chất chỉ là một giống loài non trẻ. Vậy mà sau cả triệu năm tiến hóa, chim vẫn chỉ là chim, bò sát vẫn chỉ là bò sát và ngay cả loài động vật gần gũi nhất với loài người chúng ta như con đười ươi thì cũng chẳng tiến lên được là bao trong suốt 200.000 năm qua, trong khi loài người đã phát triển nhảy vọt. Hàng triệu loài sinh vật khác trên hành tinh đều đã đạt được tới một mức độ tiến hóa nhất định khi trí thông minh xuất hiện. Loài người đã đạt được tới trình độ thông minh hơn hết thảy những loài trước đó.
Các nhà khoa học rất lúng túng trước sự khác biệt này. Điều gì khiến loài người chúng ta khác với các động vật khác? Tại sao lại có một khoảng cách lớn đến vậy giữa trí thông minh đặc biệt của loài người và những loài vật thậm chí được coi là có trí tuệ như cá voi hay tinh tinh? Quá trình tiến hóa của chúng ta thực sự là một quá trình không tưởng.
Chúng ta là giống loài có khả năng sáng tạo tốt nhất trong thế giới này. Lịch sử đã ghi nhận rất nhiều sáng tạo kỳ diệu của con người, từ những cuộc cách mạng vĩ đại với hệ ngôn ngữ và văn hóa, các hệ thống chính trị và các thể chế chính quyền phức tạp, đến những kiệt tác nghệ thuật xuất chúng. Thực tế, chỉ cần lắng nghe một tác phẩm của nhà soạn nhạc thiên tài Mozart hay ngắm nhìn Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc là đã đủ để thán phục sự kỳ diệu trong khả năng sáng tạo của con người.
Cùng với những sáng tạo đầy cảm hứng và làm say đắm lòng người, chúng ta cũng chứng minh được khả năng mang đến những nỗi kinh hoàng không tả xiết. Chúng ta là giống loài có khả năng tạo ra nạn diệt chủng, mang lại cái chết và phá hủy ở mức độ mà không một tạo vật nào kém thông minh hơn có thể tưởng tượng nổi. Loài người là loài duy nhất có khả năng tạo ra những điều kỳ diệu và cả những điều kinh hoàng nhất.
Tìm hiểu quá trình đạt tới vị trí hiện tại của con người thực sự là một điều thú vị, nhưng điều đó không có ảnh hưởng quan trọng lắm tới đời sống của mỗi cá nhân. Vậy điều gì mới thực sự xác định những yếu tố đã tạo ra sự khác biệt giữa loài người với các loài động vật khác? Câu trả lời rất đơn giản: nhận thức được về bản thân và khả năng phát triển nhận thức này cũng như thúc đẩy hiểu biết rõ ràng hơn về bản chất của các sự vật, hiện tượng xung quanh. “Nhận thức” trong Đạo Phật chính là sự thức tỉnh trong từng sát na về những hiện tượng bên trong. Nhận thức, hiểu theo nghĩa này, là khả năng quan sát những gì đang diễn ra trong tâm trí mình và qua quan sát này, chúng ta sẽ đạt được sự thông thái: hiểu biết cao hơn, mạch lạc hơn về bản chất của cuộc sống và tâm trí con người, những mảnh ghép và tiềm năng của nó. Kiến thức này sẽ dần dần đưa bạn đạt được tới ngưỡng năng lực cao nhất của bản thân mình với tư cách là một con người. Đạt được tới ngưỡng năng lực cao nhất của bản thân mình có nghĩa là gì? Đó chính là sự giải thoát hoàn toàn mà rất nhiều thầy gọi là Sự tỉnh thức và Đạo phật gọi là Niết Bàn – điểm kết thúc của mọi khổ đau.
Sự giác ngộ mang lại cho chúng ta ý thức đạo đức. Nó giúp chúng ta phân định giữa đúng và sai, chỉ cho chúng ta thấy hành động nên hoặc không nên làm. Nhưng sau đó bản ngã của con người, với những dục vọng và mong muốn khôn cùng, đã xói mòn nhận thức bên trong và kết quả là chúng ta sử dụng sai trí thông minh của mình. Đó là lí do vì sao bất cứ khi nào chúng ta ghi nhận những tiến bộ xã hội mang tính vật chất thì sự phát triển tinh thần lại bị dao động.
Những bậc thầy về tâm linh từ lâu đã giải thích rõ ràng về các thiếu sót của loài người. Trong thế giới công nghệ phát triển chóng mặt, tất cả những điều này đều bị chi phối bởi sự tham lam vô độ và dục vọng khôn cùng. Nhưng tính tiêu cực của bản chất con người hiện nay dường như đang thể hiện trong vô số nguồn ý thức. Trong môi trường này một vài phẩm chất thấp kém của đầu óc con người đang trượt khỏi tầm kiểm soát.
“Cuộc sống mà chưa được xem xét cẩn thận thì không phải là một cuộc sống có giá trị.” – SOCRATES, triết gia
Hơn một nghìn năm qua, con người đã nghiên cứu mọi thứ từ những phần tử nhỏ nhất tạo nên vật chất đến những điều thần bí nằm ngoài giới hạn hiểu biết của các nhà khoa học tiên tiến nhất, ví dụ như giới hạn của vũ trụ. Nhưng khi những nghiên cứu này càng đi sâu và càng trở nên hấp dẫn thì các nhà khoa học lại bỏ qua một chủ đề then chốt: bản thân mình! Chúng ta cần tự nhìn sâu vào bên trong và nghiên cứu bản chất của chính tư duy chúng ta – không phải não bộ mà là tư duy. Đó mới chính là nét độc đáo quan trọng.
Woody Allen, diễn viên hài và nhà làm phim nổi tiếng, đã nhắc đến yếu tố then chốt này với sự hài hước đặc trưng của ông: “Những con người muốn hiểu biết về cả vũ trụ khiến tôi kinh ngạc vì riêng việc tìm được lối ra khỏi khu phố Trung Hoa đã đủ rối tung lên rồi”. Hiểu biết về hành tinh cá nhân – trí óc của mình – sẽ mang lại cho các bạn những phần thưởng còn vĩ đại hơn lập bản đồ vũ trụ.
“Cách tốt nhất để biến giấc mơ thành hiện thực là tỉnh giấc.” – PAUL VALERY, nhà thơ Pháp
Trong hơn 100 năm qua, rất nhiều nhà khoa học và nhà tâm lý học lỗi lạc nhất đã cống hiến cuộc đời của mình để nghiên cứu về tư duy của con người. Tuy nhiên, những nghiên cứu này đều bị hạn chế ở mức độ suy nghĩ hay hành động cảm hứng bất chợt, những điều mà chúng ta có thể đo đếm được nhưng vẫn còn rất hời hợt. Những nghiên cứu kiểu này chỉ có thể giải thích những gì diễn ra dưới góc độ vật lý và hoàn toàn bỏ qua khía cạnh tinh thần rộng lớn của tư duy. Nó ở ngay đây, ngay trong những vùng tư duy bị bỏ qua, là nơi tạo nên sức mạnh xây dựng hiện thực của chính bạn. Sigmund Freud(1) đã chạm tới những vùng này khi ông nhận ra rằng chúng cũng là một phần của hệ thống đầu óc con người và cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta mà chúng ta không hề hay biết. May mắn thay, Đức Phật đã dạy chúng ta cách khám phá những vùng tư duy này, đặt dấu chấm hết cho những bí ẩn và làm chủ đầu óc của chính bản thân mình. Chúng ta có thể làm được điều này bằng cách luyện tập nhận thức khoảnh khắc hiện tại. Như thế, bạn sẽ hiểu cách tư duy của mình tạo ra thực tại như thế nào và làm sao bạn có thể sử dụng sức mạnh của những hiểu biết này để làm cuộc sống của mình trở nên hạnh phúc và ý nghĩa hơn.
Xem Sách qua link Download tại đây:
TT..qua sách
Ủng Hộ Tác Giả, bằng việc mua sách đặt trên đầu nằm là đã giúp tác giả.
Http://www.diaocthoidai.com: nhận chia sẽ:
Thưởng thức sách bằng Link đăng ký bên dưới:
Comments on “Ngô Văn Hiếu -Sách: Luật Hấp Dẫn – Bí Mật Tối Cao”