Biết chấp nhận cảm giác khó chịu. Nếu học được kỹ năng này, bạn có thể làm chủ gần như mọi thứ.
Bạn có thể đánh bại sự trì hoãn, bắt đầu tập thể dục, ăn uống lành mạnh hơn, học một ngoại ngữ mới, vượt qua các thử thách cũng như những sự kiện khiến bạn mệt nhoài, khám phá những điều mới lạ, phát biểu trên sân khấu, và trở thành một người theo chủ nghĩa tối giản. Và đó chỉ là mới là sự khởi đầu.
Thật không may, hầu hết mọi người lại né tránh cảm giác khó chịu. Họ thật sự cố gắng né tránh nó – ngay từ khi nhận thấy dấu hiệu đầu tiên của sự khó chịu, họ liền “bỏ chạy” nhanh hết mức có thể. Có lẽ với hầu hết mọi người, đây là yếu tố hạn chế lớn nhất và cũng là lý do tại sao bạn không thể thay đổi thói quen. Hãy nghĩ thế này: nhiều người không ăn rau vì họ không thích vị của nó. Đó không phải một nỗi đau cùng cực, cũng chẳng phải kiểu tra tấn như ở nhà tù Guantanamo, mà chỉ là một vị mà bạn không quen. Và do đó họ ăn những gì họ thích, như kẹo, món chiên, thịt, phô mai, những món mặn và chứa nhiều bột tinh chế. Cuối cùng, việc tìm đến những thứ cho ta cảm giác dễ chịu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của ta và khiến ta bị thừa cân. Tôi hiểu điều đó, vì tôi đã từng là một người như vậy trong thời gian rất dài. Tôi phát phì, ngồi lì một chỗ, hút thuốc, “nợ ngập đầu,” sống bừa bộn và trì hoãn, bởi vì tôi không thích những điều không thoải mái. Và vì thế, hậu quả là tôi đã khiến cho cuộc sống của mình vô cùng tồi tệ. Điều tuyệt vời là: Tôi nhận ra đôi chút khó chịu cũng không quá tệ.
Trên thực tế, nếu luyện tập một chút thì bạn có thể chấp nhận cảm giác đó. Khi ngộ ra điều này, tôi đã có thể thay đổi tất cả mọi thứ, và giờ đây tôi vẫn làm tốt việc đó nhờ vào kỹ năng chấp nhận sự khó chịu. Đừng vì một chút khó chịu mà bỏ lỡ điều bạn muốn.
NÉ TRÁNH CẢM GIÁC KHÓ CHỊU Khi căng thẳng, người ta thường hút thuốc, ăn, đi mua sắm, uống rượu bia, sử dụng ma túy,… bất cứ thứ gì có thể giúp họ thoát khỏi cảm giác khó chịu từ những vấn đề đang tạo áp lực cho họ. Thế nhưng, nếu quan sát sự căng thẳng kỹ hơn, ta thấy chính nỗi sợ vô căn cứ là nguyên nhân gây ra căng thẳng (thường là nỗi lo sợ rằng mình chưa đủ giỏi), và nếu ta xem xét và chịu nhìn nhận nó, nỗi sợ ấy sẽ dần biến mất. Lúc mới bắt đầu tập thể dục sau khi ngồi một chỗ quá lâu, người ta cảm thấy không thoải mái. Thật khó khăn! Bạn có thể bị đau nhức khắp người. Tập thể dục chẳng dễ dàng như ngồi một chỗ. Bạn không quen tập thể dục, và bạn sợ mình sẽ làm sai hoặc trông như một tên ngốc. Thế là sau một thời gian, bạn ngừng tập vì…khó chịu; trong khi trên thực tế, cảm giác khó chịu đôi chút ấy chẳng có gì là khủng khiếp. Nó đâu phải một nỗi đau cùng cực, chỉ là một chút không thoải mái thôi, đúng không nào? Khi thử ăn uống lành mạnh hơn, người ta thường không thích chế độ ăn đó – ăn rau, quả hạch tươi, hạt lanh, trái cây và đậu hũ, đậu tương lên men hay đậu đen thì làm sao sung sướng bằng ăn những món chiên xào, nhiều chất béo, mằn mặn hay ngòn ngọt cơ chứ. Đó là một dạng khó chịu khi bạn thay đổi khẩu vị, nhưng thực tế, chỉ cần vượt qua cảm giác không thoải mái này, bạn có thể dễ dàng ăn uống lành mạnh hơn. Cảm giác khó chịu không hề tệ. Chỉ là ta không quen với nó. Và vì thế ta né tránh nó, nhưng ta phải trả giá bằng việc không thể thay đổi được gì, không thể khỏe mạnh, không thể cởi mở chào đón những cuộc phiêu lưu và sự hỗn độn của cuộc sống này.
LÀM CHỦ CẢM GIÁC KHÓ CHỊU Để làm chủ sự khó chịu, hãy chấp nhận nó. Nếu bạn e sợ cảm giác không thoải mái và bạn cố gắng đánh bại nó bằng một hành động vô cùng mệt mỏi, chắc chắn cuối cùng bạn sẽ bỏ cuộc và thất bại, và lại tìm kiếm sự thoải mái. Do đó hãy thực hiện từng bước nhỏ.
1. Chọn một việc không quá khó Lấy ví dụ như thiền. Việc này không quá khó – bạn chỉ việc ngồi xuống và chú tâm vào cơ thể cũng như hơi thở trong khoảnh khắc hiện tại. Bạn không cần cố loại bỏ mọi suy nghĩ, không cần phải tụng những câu thần chú khó hiểu, thay vào đó hãy ngồi xuống và chú tâm. Nếu không thích thiền, hãy thử một loại thực phẩm bổ dưỡng xem sao, như cải xoăn, hạt hạnh nhân tươi hay hạt diêm mạch chẳng hạn. Hoặc thử một bài thể dục tương đối dễ nếu bạn vốn ngồi một chỗ quá nhiều, ví dụ như đi bộ hay chạy bộ.
2. Thực hiện từng chút một Bạn không cần phải bắt đầu làm điều mà mình chưa quen suốt 30 phút. Chỉ một vài phút thôi là đủ. Cứ từ từ bắt đầu.
3. Ra khỏi vùng thoải mái của bạn từng chút một Một người bạn của tôi và cũng là thầy tu Thiền tông, Susan O’Connell, có một bài hướng dẫn thiền được yêu thích mà bạn có thể áp dụng cho bất kì hoạt động nào: khi bạn đang thiền và cảm thấy muốn đứng dậy, đừng làm vậy; tương tự với lần thứ hai, và đến lần thứ ba thì mới đứng lên. Như vậy bạn có thể vượt qua sự thôi thúc và cảm giác khó chịu hai lần trước khi đầu hàng ở lần thứ ba. Đây là một sự cân bằng tốt, nhờ đó bạn có thể ở ngoài vùng thoải mái của mình lâu hơn một chút. Bạn cũng có thể làm điều này trong khi tập thể dục hoặc khi thực hiện các hoạt động khác – cứ cố gắng thêm một chút nữa.
4. Quan sát cảm giác khó chịu Hãy quan sát bản thân khi bạn cảm thấy hơi không thoải mái – bạn có bắt đầu (thầm) phàn nàn không? Bạn có tìm cách né tránh nó không? Bạn tìm đến điều gì? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn chịu đựng nó và không làm gì cả?
5. Mỉm cười Đây là một lời khuyên đáng quan tâm. Nếu đang cảm thấy không thoải mái mà bạn mỉm cười, thì qua luyện tập bạn có thể chấp nhận sự khó chịu. Khi tôi tham gia Goruck Challenge (một hoạt động thử thách sức bền) vào năm 2011, đó là 13 tiếng đồng hồ vô cùng khó chịu – đầu gối tôi trầy trụa và chảy máu, cát tràn vào giày khi tôi đi bộ đường dài và vừa chạy vừa cõng hơn 27 kg trên lưng. Tôi phải cõng đồng đội và những khúc gỗ, hít đất và làm động tác cua bò cũng như những động tác khác.
Tôi mệt mỏi vô cùng, vừa đói vừa khát và thèm được vào phòng tắm. Thế nhưng, tôi đã luyện tập một điều rất đơn giản: tôi cố gắng giữ nụ cười trên môi trong toàn bộ quá trình khó chịu này.
Đó là một bài tập quan trọng.
Hãy luyện tập điều này mỗi ngày. Ban đầu bạn sẽ thấy không quen, có thể là rất khó, nhưng dần dần vùng thoải mái của bạn sẽ được mở rộng. Nếu bạn luyện tập đủ và trong nhiều hoạt động khác nhau, vùng thoải mái của bạn sẽ mở rộng để chấp nhận cảm giác khó chịu. Hãy quen với cảm giác khó chịu, bước khỏi vùng an toàn từng chút một.
BẠN SẼ LÀM CHỦ SỰ KHÓ CHỊU Ở LĨNH VỰC NÀO? Nếu làm chủ cảm giác khó chịu, hãy nghĩ xem khi đó bạn có thể làm chủ những gì? Gần như là tất cả mọi thứ:
1. Tập thể dục Ta không tập thể dục vì cảm thấy không thoải mái. Nhưng nếu mở rộng vùng thoải mái của mình từng chút một, thì sau vài lần, ta có thể tập thể dục một cách thoải mái.
2. Viết lách Nếu bạn muốn viết nhưng dường như luôn tìm cách trì hoãn, đó là vì viết lách là việc khó hoặc không thoải mái như kiểm tra email hay các trang mạng xã hội. Hãy chịu đựng cảm giác khó chịu, rồi bạn sẽ viết được nhiều hơn bao giờ hết.
3. Ăn uống lành mạnh Bạn sẽ bất ngờ khi biết rằng nếu ta dần làm quen với những loại thực phẩm lành mạnh hơn thì qua thời gian, khẩu vị của chúng ta có thể thay đổi nhiều như thế nào. Điều đó có nghĩa là ta phải trải qua những giai đoạn khó chịu ngắn, nhưng nếu ta thực hiện từng chút một thì sẽ chịu đựng được thôi.
4. Thiền Ta tránh né cảm giác khó chịu khi phải ngồi im, không làm gì và tập trung vào hiện tại. Nhưng thật sự không quá khó đâu – chỉ hơi không thoải mái một tí thôi.
5. Học ngoại ngữ/chơi nhạc cụ Bạn muốn học điều gì đó mới mẻ ư? Ấy thế mà bạn lại hay bỏ cuộc trước khi thành thạo kỹ năng mới này, đơn giản chỉ bởi vì bạn không thoải mái. Hãy chịu đựng cảm giác khó chịu, và chẳng mấy chốc bạn sẽ cảm thấy hứng thú với việc học.
6. Sự bừa bộn Bừa bộn chỉ là một hình thức khác của sự trì hoãn. Bạn không sắp xếp gọn gàng đồ đạc, hoặc mặc cho những món đồ không cần thiết cứ tiếp tục chất đống.
Lý do là vì ngay lúc này bạn cảm thấy không thoải mái khi phải dọn dẹp những thứ đó (so với việc lướt web hay xem TV chẳng hạn). Nhưng một khi vượt qua cảm giác khó chịu thì bạn sẽ làm được việc đó chẳng mấy khó khăn.
7. Đọc sách Ta có khuynh hướng lảng tránh việc ngồi xuống đọc sách, vì ta bị cuốn vào một việc nào đó thoải mái hơn (một lần nữa, lướt web chẳng hạn). Nếu có thể ngồi xuống đọc một cuốn sách và chịu đựng sự khó chịu, ta có thể đọc được nhiều hơn.
8. Những cuộc phiêu lưu mới Nhiều người ở lại nơi mà họ cảm thấy thoải mái, nghĩa là họ bỏ lỡ những trải nghiệm mới mẻ mà có thể hơi khó chịu đối với họ. Ngay cả khi đi du lịch, nhiều người chỉ tìm đến những địa điểm du lịch và các loại thức ăn quen thuộc với họ thay vì tìm kiếm những trải nghiệm mới lạ nhưng chân thực hơn ở vùng đất mới. Ta tránh tiếp xúc với người lạ, tránh phát biểu trên sân khấu hay đón nhận cái mới… để không phải cảm thấy khó chịu. Và đó chỉ là khởi đầu mà thôi. Trong từng lĩnh vực kể trên sẽ còn rất nhiều điều để bạn nỗ lực vượt qua trong tương lai, và vẫn còn rất nhiều lĩnh vực khác rộng mở chờ đón bạn khám phá. Sự khó chịu có thể là chiếc chìa khóa hạnh phúc mở ra mọi thứ cho bạn.