Nhân hậu và tế nhị: Phẩm chất không thể thiếu ở người quân tử .
Đức Khổng Tử nói: “Người quân tử mà không nhân hậu, cũng có chứ! Chưa từng có kẻ tiểu nhân mà lại nhân hậu” (Luận Ngữ).
Bởi vì người quân tử là người đang dấn thân trên con đường đạo đức, đang tu dưỡng bản thân để đạt tới chí Thành chí Thiện, nên đôi khi hành vi của họ còn chưa được nhân hậu, tế nhị. Còn kẻ tiểu nhân thì chưa bước trên con đường đạo đức, tâm ý vẫn chỉ đặt vào tư lợi, nên thường hay bất nghĩa bất nhân.
Nên cũng nói, nhân hậu tế nhị là chuẩn mực mà các bậc quân tử xưa nay cùng hướng đến.
Giữ thể diện cho người hối lộ mình
“Quốc Văn Giáo Khoa Thư – Lớp sơ đẳng” có chép chuyện ông Trịnh Đàm Toàn là một vị quan thanh liêm, có tiếng là người nhân từ trung hậu, chỉ siêng việc nước giúp dân yên, hết lòng bênh vực những kẻ hèn yếu. Thường ai cho gì ông cũng không lấy. Một ngày kia, có người đem lễ một bao trà, ông không muốn nhận, nhưng vì người kia cứ nói mãi nên ông nể lòng, bảo cất đi.
Đến khi ông mở ra xem thì thấy trong bao trà toàn là những đồ vàng cả. Ông không nói gì, lại đậy nắp lại, rồi cho gọi người ấy đến mà bảo rằng: “Vừa rồi ta tưởng hết trà uống, mà nhà ngươi lại có lòng tốt đem cho, thì ta lấy. Nhưng bây giờ xem ra thì trong nhà hãy còn đủ uống”.
Nói xong, ông đưa bao trà trả lại. Trả rồi, ông cũng không tỏ cho ai biết là người ấy đến cầu cạnh mình.
Ấy, không những ông là một người làm quan thanh liêm mà lại có tính hồn hậu, không hay đem chuyện bí mật của người ta mà thổ lộ ra ngoài.
Tự nguyện mang tiếng xấu, cảm ơn người trách mình
Trong bài viết “Nhà giáo họ Khổng”, học giả Nguyễn Hiến Lê có ghi lại một câu chuyện về đức khiêm tốn và tế nhị của Khổng Tử như sau:
Vua Chiêu Công nước Lỗ cưới một thiếu nữ nước Ngô cùng họ, như vậy là trái lễ. Quan tư bại (cũng như thượng thư bộ hình) có ý chê Chiêu Công, hỏi Khổng Tử:
– Vua Chiêu Công biết lễ không? Ông đáp:
– Biết.
Rồi lui vào nhà trong.
Quan tư bại lại gần Vu Mã Kì, một môn đệ của Khổng Tử, bảo:
– Tôi nghe nói người quân tử không thiên vị; thì ra người quân tử [trỏ Khổng tử] cũng thiên vị ư?
Vu Mã Kì đem lời ấy kể lại với thầy, Khổng Tử chỉ đáp:
– Khâu này thật may mắn; nếu có lỗi điều gì thì mọi người đều biết (Thuật nhi – 30).
Ông cũng biết rằng vua Chiêu Công làm một việc trái lễ, nhưng không nỡ chê vua của mình trước mặt người khác; sẵn lòng nhận lời trách của quan tư bại, chứ không cãi, mà còn tỏ ý mang ơn quan tư bại đã vạch lỗi của mình nữa. Phải là bậc đại hiền mới có thái độ như vậy được.
Để trở thành người quân tử nhân hậu tế nhị
Trong tín ngưỡng truyền thống của người Á Đông, hình ảnh Bồ Tát Quán Thế Âm tay nâng bình nước Cam Lồ, tay cầm nhành dương liễu được thế nhân bao đời kính ngưỡng. Nhành dương liễu trong tay Bồ Tát là loại cây mềm dẻo mà lại kiên cường, có thể tùy duyên mà không chịu khuất phục, tượng trưng cho đức “Nhẫn” mà người tu luyện Phật gia hướng đến, cũng là biểu hiện của khoan dung, nhân hậu, tế nhị mà người quân tử truy cầu.
Người quân tử cũng thường được ví như trúc, mới sinh ra đã ngay thẳng mà có đốt thành tro cũng vẫn thẳng ngay. Thân trúc tuy thẳng mà mềm dẻo, cũng như người quân tử bên trong thì chính trực, bên ngoài thì tế nhị khoan dung.
Người quân tử là người hiểu rõ ý nghĩa đích thực của cuộc đời, bất kể trong hoàn cảnh nào cũng giữ vững đạo nghĩa và phẩm hạnh, tuân thủ lời dạy bảo của Thánh hiền để làm người. Họ đến nơi nào là nơi ấy được lợi ích, được giáo hóa, khiến mọi người tôn sùng đạo nghĩa. Khéo giáo hóa và cảm hóa chính là phẩm đức người quân tử.
Xã hội ngày nay, ham dục vật chất đầy khắp nơi, chuẩn mực đạo đức tụt xuống hàng ngày, con người nếu không giữ vững chí hướng và tiết tháo nội tâm thì sẽ đi đến đâu. Dù vậy, bạn và tôi, hãy không ngừng tu dưỡng bản thân để trở thành một người quân tử “nhân hậu và tế nhị”, làm việc một cách đường đường chính chính để giữ gìn cốt cách phẩm hạnh của mình bằng cách tự ước thúc bản thân qua các tiêu chuẩn sau:
1.Người quân tử làm việc có “3 không”
Về cách làm việc của người quân tử, Mạnh Tử viết, người quân tử gặp người có quyền thế thì không xu nịnh, gặp người mạnh thì không sợ, gặp người yếu hơn mình thì không bắt nạt, tôn kính người lớn tuổi, che chở người nhỏ tuổi. Họ nghiêm túc đứng đắn, khoan dung, bác ái, quang minh và cả đời luôn chú trọng tu dưỡng phẩm chất đạo đức. Còn kẻ tiểu nhân thì hoàn toàn trái ngược lại.
“Quân tử bất vọng động, động tất hữu đạo”. Người quân tử không hành động mù quáng, làm bừa. Họ làm gì cũng đều có đạo lý. Người quân tử chân chính đối với bản thân vô cùng nghiêm khắc, đây là một loại “tự giới luật” bản thân.
“Không làm xằng làm bậy” chính là không tùy tiện, trong tâm họ luôn có nguyên tắc và giới hạn của mình. Đây được gọi là phẩm đức, phẩm đức này cũng chính là đạo trong lòng người quân tử. Kẻ tiểu nhân tính toán cái gì, làm cái gì cũng tùy tiện, không bao giờ biết đến phẩm đức, nguyên tắc và giới hạn.
“Quân tử bất cẩu cầu, cầu tất hữu nghĩa”. Người quân tử không mưu cầu tùy tiện, mưu cầu điều gì tất đều có nghĩa. Người quân tử biết biết rõ về nghĩa, kẻ tiểu nhân hiểu rõ về lợi. Người quân tử coi trọng tiền tài của cải nhưng nhận phải đúng đạo lý.
Người quân tử làm việc gì thì đầu tiên cũng cân nhắc đến đạo nghĩa. Điều hợp với đạo nghĩa, có thể nhận thì sẽ nhận, còn không hợp đạo nghĩa thì không liếc mắt nhìn qua. Điều này cũng là thể hiện của tấm lòng độ lượng, phóng khoáng, thứ không phải của mình thì nhất định không truy cầu. Vì thế mà trong tâm người quân tử luôn rộng rãi, khoáng đạt, quang minh lỗi lạc. Kẻ tiểu nhân coi trọng lợi ích, của cải tiền bạc, chỉ cần có thể đạt được lợi ích họ sẵn sàng đổi tất cả.
“Quân tử bất hư hành, hành tất hữu chính”. Mỗi lời nói, cử động của người quân tử đều sẽ không tùy tiện, phàm là làm việc gì cũng đặt mình vào hoàn cảnh người khác để cân nhắc 3 điều: Việc này có chính đáng không? Có tổn hại đến lợi ích của người khác không? Có xúc phạm đến người khác không? Nghĩ thông suốt 3 điều này, họ mới bắt đầu làm.
2.Người quân tử nói chuyện có “3 hổ thẹn”
Khổng Tử nói: “Thị vu quân tử hữu tam khiên: Ngôn vị cập chi nhi ngôn vị chi táo, ngôn cập chi nhi bất ngôn vị chi ẩn, vị kiến nhan sắc nhi ngôn vị chi cổ”.
Ý nói, khi nói chuyện người quân tử có 3 điều hổ thẹn: Chưa đến lượt nói mà đã nói là “nôn nóng, hấp tấp”. Đến lúc nói mà lại không nói là “che giấu, lấp liếm”. Chưa nhìn thấy sắc mặt người nghe mà đã nói, là “mù quáng”.
Người chưa đến lượt đã nói là biểu hiện của người nóng vội, nóng lòng muốn thể hiện mình, sợ bị người khác xem thường, hoàn toàn là biểu hiện của người nông cạn và xốc nổi. Ngoài ra, hành vi này cũng rất thất lễ, nói lên rằng người này không được giáo dưỡng.
Đến lượt nói mà lại không nói là một biểu hiện khác của cực đoan, không chỉ là hành vi thất lễ mà trong lòng còn nhất định có chỗ che giấu, cho nên dối trá. Có một số người không nói là do ngượng ngùng, e ngại, điều này cũng không nên bởi vì người quân tử là quang minh chính đại. Nếu là điều quang minh, chân chính thì có gì là không dám nói?
Nghiêm trọng nhất là chưa nhìn thấy sắc mặt người nghe đã nói. Có những điều liên quan đến việc riêng tư của người khác, chạm vào nỗi đau của người khác, phạm vào điều kiêng kỵ của người khác mà lại không để ý cứ tùy tiện nói ra. Điều này không chỉ là thất lễ, nông cạn, không có giáo dưỡng mà còn có quan hệ trực tiếp đến vấn đề phẩm cách.
Bởi vì người không để ý nét mặt người khác mà tùy tiện nói là người chỉ để ý đến sự sảng khoái vui vẻ của bản thân mình, không để ý đến cảm nhận của người khác, làm tổn thương người khác. Đương nhiên cũng có người là do tính cách ngay thẳng, bộc trực mà hành xử như vậy. Nhưng xúc phạm người khác là vô tâm và cách ngay thẳng như vậy cũng không phải là hành vi của người quân tử.
Comment on “Hành Trình 305 ngày 01/11/2018 – 365 ngày.”