Những bài học cha mẹ Do Thái dạy con là chìa khóa tạo nên một dân tộc có trí tuệ hơn người
Bởi
Ngô Hiếu
Người Do Thái chỉ chiếm 13 triệu dân số thế giới nhưng lại có hơn 40% tỷ lệ người đoạt giải Nobel. Được xem là thông minh nhất thế giới, người Do Thái luôn có những thành tựu về khoa học khiến cả thế giới phải thán phục. Và, phương pháp dạy con chính là chìa khóa đầu tiên tạo nên một dân tộc khiến cả thế giới ngả mũ cảm phục.
-Trí tuệ đến từ sự im lặng:
Luis là một cậu bé 7 tuổi người Do Thái. Một hôm, cậu bé từ trường về và nói với mẹ: “Mẹ ơi, hôm nay ở trận đá bóng, trước khi vào sân, bạn Parker sợ đến nỗi hai chân run lập cập, haha… Còn bạn Hanna nữa, đầu bạn ấy giống như đống cỏ khô vậy, chúng con đều gọi bạn ấy là Nữ hoàng sư tử…”
“Luis”, mẹ ngắt lời: “Con còn nhớ mẹ từng kể câu chuyện về cái lưỡi không?” – “Con nhớ ạ”. Cậu bé bắt đầu nhớ lại câu chuyện mà mẹ kể: “Ngày xưa, có một ông chủ sai người hầu của mình ra chợ tìm mua thứ ngon nhất trên đời, người hầu đó mua một chiếc lưỡi mang về. Vài ngày sau, ông chủ đó lại sai người hầu ra chợ mua một thứ không ngon nhất về, kết quả là người đó vẫn mua về một chiếc lưỡi”.
Đợi Luis kể xong, mẹ hỏi: “Câu chuyện này nói với chúng ta điều gì nhỉ?“. Luis trả lời: “Thứ ngon nhất trên đời cũng là cái lưỡi, thứ không ngon nhất cũng là cái lưỡi, bài học trong câu chuyện này là… nhắc nhở chúng ta không được nói lung tung!”.
Cha mẹ Do Thái đều dạy con cái họ một câu ngạn ngữ cổ là: “Thượng Đế tạo cho con người hai cái tai, một cái miệng, là để chúng ta nói ít, nghe nhiều”… Khác với những bậc cha mẹ thường bỏ qua khuyết điểm của trẻ với lý do “chúng còn quá nhỏ” thì cha mẹ Do Thái sẽ ngay lập tức nhắc nhở con bất cứ khi nào chúng phạm lỗi lầm.
Đặc biệt, người Do Thái rất ghét những kẻ “lắm lời”. Do đó, chúng ta luôn thấy rằng họ rất kiệm lời. Đương nhiên, điều đó không có nghĩa là họ không thân thiện, không biết giao tiếp. Đối với họ, những người luôn thao thao bất tuyệt, khoe khoang mình trước mặt người khác thường là những kẻ ngốc nghếch; còn người biết lắng nghe mới là người thông minh. Vì thế, người Do Thái đã lưu truyền câu nói:“Khi kẻ ngốc cười phá lên thì người thông minh chỉ im lặng”.
-Trí tuệ đến từ sách:
Nếu một đứa trẻ Do Thái được hỏi: “Con sẽ đem theo vật gì ra ngoài nếu không may nhà bị cháy?”, lập tức đứa trẻ đó sẽ trả lời: “Những cuốn sách!”. Trong các gia đình Do Thái luôn có một tủ sách. Họ duy trì thói quen đọc sách và học tập không ngừng từ đời này sang đời khác.
Lúc con được vài tháng tuổi, bà mẹ Do Thái dạy con thói quen thích đọc sách bằng cách ẵm ngửa con, nhỏ vài giọt mật ngọt ở mỗi trang sách và cho bé liếm. Khi đó, trong nhận thức non nớt của đứa bé, sách là một thứ thật ngọt ngào và hấp dẫn. Ngoài ra, họ cũng dùng nước hoa xức lên sách để kích thích trí tò mò và thu hút lũ trẻ.
Những bà mẹ Do Thái cũng luôn nhắc nhở con cái một câu châm ngôn “Con lừa thồ sách”, ý muốn gửi một thông điệp rằng: “Nếu chỉ đọc sách mà không ứng dụng nó trong cuộc sống thì cũng chỉ là trí tuệ chết mà thôi”.
-Trí tuệ từ tư duy khác biệt:
Năm 1946, người cha dẫn con đến thành phố Houston (Mỹ) buôn bán đồ uống. Một hôm, người cha gọi con trai đến và hỏi:
“Con biết giá trị một cân đồng là bao nhiêu không?”.
“Dạ thưa cha, 35 xu ạ” – cậu bé đáp chắc nịch.
“Không sai, bây giờ tất cả mọi người ở bang Texas đều biết giá mỗi cân đồng là 35 xu. Nhưng đối với người Do Thái chúng ta, con nên biết mỗi cân đồng nhiều hơn 35 xu. Con hãy thử dùng một cân đồng này làm khóa cửa xem sao”.
Nghe lời cha, người con dùng đồng làm khóa cửa, chế tạo dây cót đồng hồ Thụy Sỹ và làm huy chương cho thế vận hội Olympic. Anh đã bán một cân đồng với giá 3.500 đô la.
Năm 1974, chính phủ kêu gọi các công ty và tổ chức thanh lý phế liệu dưới chân tượng nữ thần tự do. Trong khi chẳng một công ty nào “mặn mà” với việc này, thì người con trai lập tức tới ký kết hợp đồng với chính phủ và bắt tay làm việc ngay khi biết tin.
Anh đem nung chảy những vật liệu đồng còn dư thừa và đúc thành một bức tượng nữ thần tự do loại nhỏ. Bùn đất và gỗ mục, anh chế biến gia công làm thành chân đế của bức tượng. Chì và nhôm anh làm thành những chiếc khóa và rao bán rộng rãi trên thị trường. Thậm chí, bụi bẩn trên tượng nữ thần, anh cũng sai người cạo xuống và bán cho những người trồng hoa.
Sau 3 tháng, anh đã biến đống phế liệu đó thành một món tiền có giá lớn hơn cả 3.500 đô la Mỹ. Như vậy, giá trị của mỗi cân đồng đã tăng lên gấp hơn một vạn lần so với ban đầu. Cậu bé người Do Thái đó chính là Chủ tịch hội đồng quản trị của Công ty Mc Call sau này.
Câu chuyện trên cho thấy giá trị thực sự không nằm ở bản thân sự vật mà nằm ở việc con người biết vận dụng đầu óc, trí tuệ để sử dụng vật đó thế nào. Đó cũng chính là tư duy khác biệt tạo nên người giàu và kẻ nghèo, khi tất cả mọi người cho rằng 1+1=2 thì bạn nên kiên trì quan điểm của mình 1+1>2.
-Trí tuệ đến từ khả năng vượt khó:
Trong khi các dân tộc khác trú trọng vào chỉ số IQ (chỉ số thông minh) thì người Do Thái lại quan tâm đến chỉ số AQ (chỉ số vượt khó) và chỉ số EQ (chỉ số cảm xúc).
Theo người Do Thái, thành công có công thức như sau: 20% IQ + 80% (AQ + EQ) = 100% thành công.
Rõ ràng ở công thức này, chỉ số thông minh chỉ là yếu tố phụ quyết định thành công của một đứa trẻ.
Để tăng chỉ số AQ và EQ cho trẻ, cha mẹ Do Thái thường không bao bọc con mà dành cho con “tình yêu đống lửa”. Tức là họ luôn tìm cách nhen nhóm, khích lệ để con phát huy khả năng chứ không phải cho con cảm giác bao bọc, che chở. Khi ở trường học, trẻ cũng được chú trọng đặc biệt về dạy cách nhận diện khó khăn, thử thách và vượt qua chúng. Trẻ con nhà quý tộc thì càng phải rèn về chỉ số vượt khó.
Theo quan niệm của người Do Thái, trẻ em ngoài nghĩa vụ còn có quyền được thất bại. Họ cho rằng nuôi một đứa trẻ cũng như trồng một bông hoa, phải kiên nhẫn chờ đợi hoa nở, chứ không thể mong con thành công chóng vánh. Sự giáo dục chậm này không phải chỉ thời gian mà muốn nói cha mẹ phải kiên nhẫn với con cái, không đánh giá vội vàng các hành động của con, cũng như để con tự mình vượt qua thử thách. Cha mẹ tốt là người biết lùi lại để con cái tự giải quyết vấn đề của mình.
Comment on “Hành Trình 215 ngày 03/8/2018 – 365 ngày.”