Trong cuộc sống, chúng ta không thể tránh khỏi việc phải mượn đồ của người khác, từ những vật dụng trong gia đình cho đến những đồ dùng trong công việc, học tập.
Đặc biệt là vùng nông thôn ngày xưa, khi đó đời sống túng thiếu và khó khăn, thiếu gạo, thiếu muối, thiếu nước,… phải sang vay mượn hàng xóm là lẽ thường tình.
Chính sự qua lại đôi bên mọi người giúp đỡ lẫn nhau, tình làng nghĩa xóm cũng từ đó ngày càng thân thiết, bền chặt hơn.
Tuy nhiên, do phong tục tập quán vẫn còn đậm nét, không ít những vùng quê vẫn còn lưu giữ một số phong tục dân gian được lưu truyền từ xa xưa.
Người xưa có cách nói rằng: “Vay gạo không vay củi, mượn áo không mượn giày”, chắc hẳn có rất nhiều người không lý giải được tại sao không thể vay củi, mượn gạo. Hãy cùng chúng tôi ngược dòng thời gian, tìm hiểu về phong tục dân gian này nhé.
Vay gạo không vay củi
Ý nghĩa bề mặt của câu nói “Vay gạo không vay củi” rất đơn giản. Nghĩa là ở nông thôn, nếu có người đến nhà bạn vay gạo, bạn có thể cho người khác vay. Nhưng nếu có người đến nhà bạn vay củi, thì sẽ không nguyện ý cho họ vay.
Chính là bởi vì người xưa có quan niệm: “Khi mở cửa nhà thường có bảy thứ: Củi, gạo, dầu, muối, tương, giấm, trà”, trong đó thì củi đứng đầu tiên, đại diện cho những vật dụng cơ bản trong nhà cũng như trong cuộc sống, không có củi thì sẽ không cách nào tạo ra lửa để nấu ăn, sinh sống.
Bởi vậy, đối với những người vùng nông thôn xưa, củi rất quan trọng đối với bất kỳ gia đình nào.
Hơn nữa, gạo khác với củi, bởi vì gạo có thể đong đo, nhưng củi thì lại khác, nó là một khúc lớn, không tiện để đo lường. Khi bạn cho người khác vay bao nhiêu bát gạo, thì khi họ trả lại bạn sẽ từng nấy bát, nhưng khi bạn cho người khác vay nhiều củi, khi họ trả lại nếu không tương xứng với lúc đầu, thông thường sẽ mang đến cho bạn cảm giác thiệt thòi.
Vì vậy ngày xưa ở thôn quê, để tránh xảy ra xích mích và mối quan hệ không tốt giữa lối xóm, họ thường tránh việc cho vay mượn củi.
Hơn nữa, trong tiếng Hán, từ “柴” (củi) đồng âm với “财” (tài), bởi vậy người xưa cho rằng: Mượn củi chính là lấy đi “tài khí” của gia đình người khác, mà cổ nhân rất kiêng kỵ chuyện này.
Đương nhiên, cũng có người lý giải rằng: “Giúp người nghèo chứ không giúp người lười biếng”. Thời đó, củi không phải là của hiếm, chỉ cần chăm chỉ lên rừng đi đốn củi là có thể kiếm được. Bởi vậy, trong nhà không có củi để nấu thì thường là gia đình có người lười biếng, chính là để những người lười biếng có thể động tay động chân, tự đi kiếm sống được.
Mượn áo chứ không mượn giày
Tại sao lại nói: Có thể cho người khác mượn áo chứ không cho mượn giày?
Thế hệ lão niên ở nông thôn thường quan niệm rằng, trẻ em, đặc biệt là trẻ em xuất thân từ những gia đình nghèo khó mặc quần áo của người khác thường sẽ mang đến vận may. Do đó, mượn quần áo của người khác vừa có thể “lấy hên”, vừa không ảnh hưởng đến tài lộc cũng sự may mắn của chính mình.
Cổ nhân có câu: “Thà thử quan tài hơn thử giày”. Qua câu nói này, chúng ta có thể thấy rằng, người xưa rất chú trọng giày dép.
Trước hết, thời cổ đại, bàn chân là bộ phận rất riêng tư và nhạy cảm, giày dép là đồ bó sát bộ phận bàn chân, bởi vậy không thể tùy ý cho mượn. Sau khi giày bị người khác đi, trong mắt mọi người đó chính là chiếc giày đã bị hỏng, mà giày hỏng lại mang ý nghĩa xấu, không tốt.
Trong tiếng Hán, từ “鞋” (giày) đồng nghĩa với từ “孩” (con cái), mượn giày cũng đồng nghĩa với cho mượn con cái, cách nói này không may mắn.
Hơn nữa, ngày xưa đa số đều đi dép rơm, chỉ cần bạn chăm chỉ thì có thể tự làm, vì vậy không mượn giày cũng không mượn củi.
Trên thực tế, ngoài giày và củi ra, còn có một số thứ không thể mượn nữa, còn có “dao” không thể tùy tiện mượn, hoặc là lọ thuộc, nạng,…
Tất nhiên, ngày nay, dù là củi hay giày, rất ít người mượn của người khác. Người xưa nói điều này để nhắc nhở chúng ta rằng khi mượn một thứ gì đó của một người nào đó, trước tiên chúng ta nên cân nhắc xem thứ chúng ta mượn có gây rắc rối hay gánh nặng cho đối phương hay không.
Mặc dù một lần cho vay và một lần trả lại là một vấn đề rất đơn giản, nhưng trong quan hệ vay và trả này, nó không chỉ phản ánh sự tu dưỡng đạo đức, mà còn thể hiện sự đối đáp tình nghĩa giữa mọi người.
Lan Hòa biên dịch