HÀNH TRÌNH ĐÃ QUA NĂM 2019/3/21:
#81 Hành Trình ngày 22/03/2019 – 365 ngày: Tài mệnh không cân xứng, có tiền bạc mà hao tổn phúc
Đời người bể dâu, lãng quên tất cả liệu có tốt?
Biết rằng đời người không như mộng, nhưng cũng chính là mộng, bởi thân phù thế như bọt bèo trong bể khổ mê mờ. Muốn quên đi làm người dại mà chẳng đặng, hay là làm người dũng kiên cường mạnh mẽ nhưng có trí huệ nhìn rộng nhìn xa để thấy cái bến bờ thực sự.
Trong tác phẩm kinh điển Cổ học tinh hoa do Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Tử An Trần Lê Nhân có một câu chuyện của Liệt Tử có tên là “Bệnh quên” như thế này:
Nước Tống có anh đứng tuổi, tự nhiên mắc phải bệnh quên, buổi sáng lấy gì của ai, buổi chiều đã quên, ngày nay cho ai cái gì, ngày mai đã quên, ra đường quên cả đi, ở nhà quên cả ngồi, trước có làm những gì bây giờ đã quên, bây giờ đang làm gì sau này cũng quên hết.
Cả nhà anh ta lấy làm lo, xem bói không tốt, đi cúng không đỡ, đón thầy thuốc cũng không khỏi.
Sau có ông đồ người nước Lỗ (ý chỉ Khổng Phu Tử) đến xin đám (xin việc mà làm), nói rằng chữa được. Vợ người có bệnh hứa với ông đồ hễ chữa khỏi thì chia cho nửa cơ nghiệp.
Ông đồ nói: “Bệnh này bói không ra được, cúng không khỏi được, thuốc không chữa được. Nay tôi thử hóa cái tâm tính, biến cái trí lự (từ cổ: lòng lo toan mưu tính công việc) của anh ta, may mà khỏi chăng”.
Nói đoạn, ông đồ liền sai lột áo để cho rét, thì thấy anh ta xin áo, sai cấm ăn để cho đói, thì thấy anh ta xin ăn, sai đem vào chỗ tối, thì anh ta xin ra chỗ sáng.
Ông đồ hớn hở bảo con anh ta rằng: “Bệnh chữa được, song môn thuốc của tôi bí truyền không thể nói cho ai biết”.
Rồi ông đuổi cả người chung quanh đi, chỉ một mình ông ở với người có bệnh trong bảy ngày. Chẳng ai biết ông đồ chữa chạy thế nào, mà cái bệnh lâu năm như thế nhất đán (chốc lát) khỏi phăng.
Khi anh có bệnh đã tỉnh như thường, anh liền nổi cơn giận, chửi vợ đánh con, cầm dao đuổi ông đồ. Người ta bắt anh hỏi cớ gì mà anh giận như vậy, thì anh ta nói:
“Lúc trước ta có bệnh quên, thì trong lòng ta thản nhiên khoan khoái, giời đất có hay không, ta cũng không chẳng biết. Nay ta hết bệnh, ta lại nhớ lại cả những việc vài mươi năm về trước, việc còn, việt mất, việc được, việc hỏng, việc thương, việc vui, việc yêu, việc ghét trong lòng lại muôn mối ngổn ngang bời bời nổi lên vậy. Ta e sau này, những việc còn, mất, được, hỏng, thương, vui, yêu, ghét ấy cứ vướng vít trong lòng ta mãi mãi, thì bấy giờ dù muốn quên cả đi một phút, một lát, liệu còn có được nữa chăng”.
***
Đời người vốn không thể lúc nào cũng như ý muốn, không những việc mình chẳng thành, mà còn có việc người khác đổ lên thân ta bất ngờ, vô lý. Thêm cả chuyện ngang tai, trái mắt cho đến gian trá quái ác khiến lòng người thất kinh, chán đời. Quên đi hóa ra lại là chuyện hay, cứ thản nhiên mà sống. Nhưng hiềm nỗi nếu không phải do bệnh lý thì làm sao dễ quên thế được. Những chuyện dẫn tới đả kích lớn lên nhân tâm, càng chẳng thể quên nổi.
Quên mà tới mức quên hết, quên cả cách sống cho bình thường như anh trong câu chuyện trên thì đôi khi cũng làm khó những người xung quanh. Vì sướng cái thân mình không phải đau buồn, ngổn ngang trăm mối tơ vò, nhưng lại khiến người sống cạnh phải lo lắng, chăm sóc thêm cho mình thì cũng không ổn.
Vậy quên có khi lại chưa bằng xem nhẹ. Xem nhẹ chuyện đúng sai, được mất, lợi hại, thiệt hơn thì không để nó điều khiển tâm tình. Không tự biến mình thành nô lệ cho những thứ ngoài thân vốn không thể kiểm soát nổi. Tâm trí không lên xuống, nhảy nhót theo sự việc, sự tình, thì dù có ở trong cảnh phong tình cao hứng hay bể khổ trầm luân cũng không bị tác động mà thản đãng, tự tại.
Lòng người đen trắng, việc đời đảo điên, chỉ cần nhìn thấy thôi đôi khi đã xúc cảm dâng trào, nói gì tới mình ở trong cảnh. Nếu cứ đặt nặng mọi việc quá, thì sống trên đời còn mấy tâm sức và thời gian để trân trọng, để thưởng thức những điều bình dị đẹp đẽ. Chọn cách quên, thì quên cả những mỹ cảnh, đạo lý làm nên sự xuất sắc của người đời sao, quên cả thiện lương biết nghĩ tới người mà sống để chọn tự sướng một mình sao.
Chi bằng chủ động xem nhẹ, chứ không phải bị động mà quên hết, đối với mọi việc đều bằng tâm thái thản nhiên (bằng phẳng thoáng nhẹ như không có gì) và khoan khoái (thư thái vui vẻ dễ chịu trong tâm thần). Vẫn là đạt được điều như anh chàng trong câu chuyện trên, nhưng với tâm thái chủ động mạnh mẽ, có trách nhiệm với cuộc đời mình, trách nhiệm với mọi người.