Con đường nhân sinh dài đằng đẵng, chẳng qua là ‘lên dốc và xuống dốc’
Đời người có rất nhiều con đường, nhưng đều không ngoài “lên dốc và xuống dốc”. Vậy phải chuẩn bị tâm thế ra sao để vượt qua những chặng đường đầy gian nan phía trước?
Những lúc đi lên dốc rất là phí sức, bởi vậy phải ngẩng đầu sải bước. Dọc đường có thể sẽ có gai góc chắn ngang, bạn sẽ phải thở hổn hển, người đổ mồ hôi thiếu hụt nước, đôi chân trầy da chảy máu, thân thể mệt mỏi. Tuy vậy, tầm mắt của bạn sẽ mỗi lúc một rộng, mỗi lúc một vươn xa hơn, mỗi một bước chân hướng về phía trước, bạn sẽ trông thấy vô số cảnh vật tươi đẹp.
Những lúc cất bước trên con đường bằng phẳng, thật là thư thái dễ chịu, sẽ không cảm giác thấy quá nhiều áp lực. Tuy vậy, góc nhìn của bạn chỉ có thể dừng lại trên một đường thẳng nằm ngang, không lĩnh hội được quang cảnh ‘xa gần cao thấp không như nhau’ kia.
Những lúc xuống dốc, thật rất dễ dàng, bởi vậy càng phải cẩn thận dè dặt hơn, bởi có thể ai đó đi xuống đẩy bạn ở đằng sau. Không cần phải giữ chặt, tinh thần thoải mái, nhẹ nhàng vui vẻ. Nhưng nếu bạn tỏ ra mơ mơ hồ hồ, có chút bay bổng không thể tự chủ, tầm nhìn sẽ dần dần thu hẹp lại, quang cảnh có thể thưởng ngoạn được ngày càng ít dần đi, trời đất trong bạn đương nhiên cũng trở nên mỗi lúc một nhỏ dần.
Người cúi đầu khi đi đường chỉ nhìn thấy quang cảnh phong phú nơi mặt đất, nhưng lại bỏ lỡ bầu trời rộng lớn trên cao; người ngẩng đầu đi đường, mắt chỉ nhìn thấy bầu trời bao la, nhưng lại lơ là khó khăn và hiểm trở ngay dưới chân mình.
Người đi lên dốc, sẽ có được những giọt nước mắt hân hoan, mỗi một bước một giọt mồ hôi, mỗi một bước một dấu chân.
Người đi xuống dốc, sẽ tuôn ra những giọt nước mắt mặn chát, mỗi bước một nỗi ân hận, mỗi bước một sự sám hối.
Nếu như nói nền đường đi lên dốc là vực dậy, thế thì nền đường lao xuống dốc chính là trầm luân.
Khác biệt giữa lên dốc và xuống dốc vốn không phải nằm ở lớn nhỏ hoặc cao thấp của “độ dốc”, khác biệt duy nhất chính là ở ý chí của bạn có kiên định hay không. Một người đang đi lên dốc, nếu như lấy được một chút thành tích liền gật gù đắc ý, nhận được mấy bó hoa tươi và mấy lời khen ngợi liền dương dương tự đắc, thế thì có thể sẽ phải dậm chân tại chỗ không tiến bước thêm được, thậm chí sẽ bắt đầu xuống dốc.
Nếu như một người đang đi xuống dốc, một ngày nào đó bỗng nhận ra sai lầm của bản thân, thế thì anh ta có thể sẽ hoàn toàn tỉnh ngộ, và cắn chặt răng bước ra khỏi “tam giác quỷ Bermuda” trong tâm hồn, từ đó cất bước trên con đường lên dốc tuy hiểm trở nhưng lại tràn ngập ánh sáng phía trước.
Trên con đường nhân sinh, con đường càng bằng phẳng, hoàn cảnh càng thuận lợi, công trạng càng phong phú, thì càng phải duy trì ý thức lúc hoạn nạn khốn khó, sống yên ổn nghĩ đến ngày gian nguy, cố gắng phấn đấu, không ngạo mạn không vội vàng hấp tấp. Nếu không, tai họa “sụp đổ”, “trầm luân” giáng xuống có ngày.
Đời người không thể lúc nào cũng ở mãi trên đỉnh núi được, có lên núi thì sẽ có xuống núi, có lên cao thì sẽ đi xuống, có lên dốc thì sẽ có xuống dốc. Nhưng những lúc lên dốc, nếu có thể chuẩn bị tinh thần khi xuống dốc; những lúc xuống dốc nếu vẫn có tâm nguyện leo lên dốc, vậy thì tâm của chúng ta sẽ bình lặng, thoải mái hơn.
Trong hành trình của bạn sẽ có lúc bình yên, khi sóng gió, lúc hạnh phúc, lúc khổ đau. Vậy nên khi bình yên, bạn hãy tận hưởng nó nhưng hãy luôn sẵn sàng cho những biến cố bất ngờ xảy đến.
Cuộc sống vốn không hề bằng phẳng mà luôn chứa đựng những vất vả, thách thức dành cho tất cả chúng ta. Và đời người là cuộc hành trình vượt qua những thử thách đó. Hãy hướng về phía trước, mỗi lần vượt qua một khó khăn, bạn sẽ thấy mình trưởng thành hơn. Và cách tốt nhất để đánh giá năng lực của một người là nhìn vào cách người đó đã vượt qua những khó khăn trở ngại trong cuộc sống. Sau cùng, khó khăn gian khổ sẽ đem lại cho mỗi người một tài sản vô giá – đó là sự trưởng thành và trải nghiệm.
Có ai sống cả đời suôn sẻ mà chưa từng một lần lên dốc và xuống dốc. Chuyện gì rồi cũng có cách giả quyết của riêng nó. “Hãy biến nghịch cảnh thành cơ hội giúp bạn đạt được những điều tốt đẹp hơn” (Willie Jolley).
“Cuộc đời tựa như một hòn đá, chính bạn là người quyết định để hòn đá ấy phủ rong rêu hay trở thành viên ngọc tỏa sáng” – Cavett Robert.
Hãy nghe một hòn đá kể về nguồn gốc của mình:
“Tôi vốn là một tảng đá khổng lồ trên núi cao, trải qua bao năm tháng dài đằng đẵng bị mặt trời nung đốt, người tôi đầy vết nứt. Tôi vỡ ra và lăn xuống núi, mưa bão và nước lũ cuốn tôi vào sông suối.
Do liên tục bị va đập, lăn lộn, tôi bị thương đầy mình. Nhưng rồi chính những dòng nước lại làm lành những vết thương của tôi. Và tôi trở thành một hòn sỏi láng mịn như bây giờ”.
Bạn nghĩ gì khi nghe câu chuyện trên? Cảm thấy lý thú với chuyến đi của hòn đá, hay xúc động trước ánh mắt lạc quan luôn hướng tầm mắt đến những điều tốt đẹp của nó đối với cuộc đời đầy biến động? Đã bao giờ bạn thấy được rằng chính những chông gai mới tạo nên những hình hài đẹp và ấn tượng, dù là hình hài được tạo bởi chính những vết thương và sự đớn đau?
Cuộc sống chẳng bao giờ chỉ mang đến nỗi đau, cũng chẳng bao giờ chỉ mang đến niềm hạnh phúc. Vượt qua được gian khổ, vượt qua những cuộc thử thách, vượt qua được những nỗi đau là bạn đang hoàn thiện chân dung của mình. Khi xuống dốc, bạn hãy giữ tâm thái tiến lên vượt qua thử thách, đồng nghĩa với việc bạn chiến thắng chính bản thân mình, thấy mình trưởng thành hơn. Bạn sẽ thấy những bế tắc chẳng có gì đáng sợ chỉ cần bạn biết cách vượt qua.
Cuộc sống là vô vàn những điều biến động. Vì vậy, cho dù lúc lên dốc hay xuống dốc, trong khó khăn hay trong hạnh phúc, cũng mong bạn luôn nhớ cuộc hành trình của hòn đá để sống tự tin hơn, để mang những yêu thương xoa dịu và làm lành những vết thương.
Comment on “Hành Trình 325 ngày 21/11/2018 – 365 ngày.”