Hạc được xem là cha của tất cả các loài có cánh trên trái đất. Sau phượng hoàng, chim hạc được ưa chuộng nhất trong số những loài chim biểu tượng của may mắn.
Thời xưa, các vương hầu muốn cống tiến vật phẩm cho hoàng đế để lấy lòng tin thường sử dụng biểu tượng chim hạc, được gọi là “nhất phẩm điểu” hay là “nhất phẩm đương triều”. Hình dáng con hạc đứng trên phiến đá trước sóng triều ngụ ý tới phẩm chất cao quý, mạnh mẽ đối đầu với khó khăn, mang lại may mắn và ấm êm.
Chim Hạc là biểu tượng của sự cao quý mang lại may mắn, êm ấm
Sách cổ ghi lại rất nhiều điều liên quan tới đức tính của hạc, nhìn một cách tổng quát, hạc giống như một người quân tử, không dâm, không dục, trong sạch thuần khiết, tiếng kêu thánh thót, sánh với nhân tài.
Thời xưa hạc còn được dùng để ví với những người ưu tú nên sắc lệnh chiêu mộ hiền sỹ còn được gọi là “hạc bản”, những thứ trên “hạc bản” được gọi là ” hạc thư” hoặc “hạc đầu thư”, những người tu hành và có tiếng tăm tốt được gọi là “hạc minh chi sĩ”. Liên hệ điều này, có thể thấy các bức tranh có vẽ hạc mang ý nghĩa thanh liêm, không tham lam, sa đọa.
Các bức tranh có vẽ hạc mang ý nghĩa thanh liêm, không tham lam, sa đọa
Truyền thuyết nói rằng hạc là chim tiên sống rất thọ, trong cuốn “Tướng hạc kinh” đã gọi hạc là ” thọ bất khả lượng” (sống lâu không thể tính) hay “hạc thọ thiên tuế” (hạc sống nghìn năm). Vì thế người đời sau dùng hạc để chúc phúc trường thọ.
Có người còn đặt tên có chữ “hạc” để may mắn và trường thọ như: Hạc Thọ, Hạc Linh… và hình ảnh hạc được đưa vào tranh chúc thọ, bình phong chúc thọ, câu đối và đồ chạm khắc khác.
Chim hạc còn là biểu tượng cho sự tự do và thanh tao
Ngoài ra mỗi hình dáng và vị trí đặt hạc còn tượng trưng cho một ý nghĩa riêng:
– Một chú hạc đang bay vút lên lên trời tượng trưng cho một thế giới bên kia tốt đẹp, phiêu du, bởi vì khi ai đó chết đi, linh hồn của người ấy sẽ ngồi trên lưng hạc và được hạc chở lên thiên đường.
– Hình ảnh một chú hạc thấp thoáng giữa những đám mây lại tượng trưng cho tuổi thọ, sự uyên bác, sáng suốt và cuộc sống vương giả. Hình ảnh ấy còn hàm ý chủ nhân đang vươn tới một vị trí cao, đầy quyền lực.
– Hình ảnh hạc đang nô đùa xung quanh những cây thông tượng trưng cho sức chịu đựng dẻo dai, kiên cường của gia chủ để có được một cuộc sống danh tiếng, giàu sang.
– Một trong những món quà tặng mừng thọ cho cha mẹ có thể là một tác phẩm nghệ thuật có hình hai chú hạc nép mình vào nhau. Hình ảnh thi vị đó như ước nguyện về một cuộc sống gia đình trong ấm ngoài êm, tượng trưng cho sự tiếp nối truyền thống các bậc tiền bối bảo vệ hạnh phúc gia đình.
Hạc trắng có lông đỏ trên đỉnh đầu được người Hoa cho là sẽ đem tới một sự hài hòa tuyệt vời cho gia đình và giúp cho mối quan hệ giữa các thành viên luôn bền vững.
Cách trưng bày biểu tượng chim Hạc
Tốt nhất là đặt biểu tượng chim Hạc ở hướng Nam, vì nó sẽ đem lại nhiều cơ hội tốt.
Hướng Tây sẽ đem lại sự may mắn cho con cái của bạn, trong khi hướng Tây Bắc là hướng nên chọn nếu gia đình bạn là tộc trưởng.
Đặt hạc ở hướng Đông sẽ có lợi cho con trai và cháu trai.
Những tấm bình phong với hoa văn có thêu hình con hạc là một vật phẩm phong thủy khá tốt, giúp bạn chặn đứng những điều không may có thể lọt vào nhà.
Những khu vực không nên trưng hạc là phòng bếp, phòng tắm và nhà vệ sinh. Bạn cũng có thể bày hạc ở phòng ngủ, phòng ăn và phòng khách.
Câu chuyện về 1000 hạc giấy và 1 điều ước Là một biểu tượng văn hóa của Nhật Bản, chim hạc còn là biểu tượng của khát vọng sống và khát vọng hòa bình. Câu chuyện về 1000 hạc giấy và 1 điều ước Là một biểu tượng văn hóa của Nhật Bản, chim hạc còn là biểu tượng của khát vọng sống và khát vọng hòa bình.
Ở đất nước Nhật Bản, chim hạc được coi là linh điểu, là biểu tượng của sự linh thiêng cao quý.
Tancho là một loài vật chung thủy, khi con trống và con mái kết đôi, chúng sống bên nhau suốt đời không bao giờ xa nhau. Chính vì vậy, người Nhật xem chim hạc là biểu tượng của sự hòa hợp trong cuộc sống vợ chồng. Trên trang phục cưới kimono và nhiều đồ vật khác, họa tiết hình chim hạc là hoa văn phổ biến và rất được ưa chuộng.Với tuổi thọ cao nhất trong họ nhà chim nên từ xa xưa, chim hạc được người Nhật và người dân các nước phương Đông quan niệm là một linh vật tượng trưng cho sự trường thọ. Và trên các bức tranh giấy dùng để trang trí trong nhà, người Nhật vẽ hình ảnh chim hạc như một đề tài chủ đạo. Người dân Nhật Bản cho rằng, loài chim cao quý này luôn mang lại vận may cho con người và họ vẫn còn lưu truyền rất nhiều câu chuyện về quan niệm này. Một trong số đó là câu chuyện Tsuru no On-gaeshi (Chim hạc đền ơn).
Truyện kể rằng, ngày xưa, có một lão nông nhân hậu tình cờ bắt gặp con chim hạc bị mắc vào bẫy đang cố gắng vùng vẫy và ông đã giải thoát cho con vật đáng thương ấy.Vào một đêm mùa đông trắng xóa tuyết rơi, một cô gái xinh đẹp đến gõ cửa nhà vợ chồng ông lão. Cô gái nói rằng mình bị lạc đường và xin ông bà lão cho tá túc nhờ.Vợ chồng lão nông dân tốt bụng đã vui lòng nhận lời. Cô gái lưu lại nhà của họ trong một thời gian. Hàng ngày, cô giam mình trong phòng để dệt vải. Ít lâu sau, cô dệt xong một tấm vải tuyệt đẹp và mang nó tặng cho vợ chồng ông lão. Một ngày nọ, vợ chồng lão nông lén nhìn vào phòng của cô gái để xem cô dệt vải.Và họ đã không tin nổi vào mắt mình khi thấy một con chim hạc bên khung cửi đang bứt từng chiếc lông trắng muốt trên thân mình để dệt vải. Con chim hạc đã từng được ông lão cứu thoát đã hóa thân thành cô gái xinh đẹp đến đền ơn ông lão. Khi bị nhìn thấy hình dáng thật, chim hạc không thể trở lại hình người. Nó từ biệt ông bà lão để quay về trời xanh sau và không quên gửi lại cho họ những tấm vải quý dệt từ những chiếc lông của nó như một sự đền ơn. Từ đó, người dân Nhật Bản đã gắn hình ảnh chim hạc với những quan niệm tốt lành về sự may mắn, ân tình…Không chỉ xuất hiện trong hội họa, thi ca, chim hạc còn được dùng làm biểu tượng cho xứ sở mặt trời mọc khi nó được trang trí ở khắp mọi nơi. Nó là biểu tượng của hãng hàng không Nhật Bản với hình ảnh một chú chim hạc đang vươn đôi cánh tạo thành một vòng tròn tượng trưng cho mặt trời trên phần đuôi máy bay. Trên tờ 1000 Yên Nhật, bên cạnh chân dung nhà vi trùng học Noguchi Hideyo là hai con chim hạc đang vươn cổ lên trời cao. Trên lá bài Hana-fuda – loại bài lá trong trò chơi truyền thống Karuta của người Nhật cũng có in hình chim hạc bên cạnh lá thông và mặt trời. Bên ngoài tấm thiệp Shugi bukuro dùng để đựng tiền mừng cưới có hình chim hạc trắng được thắt một cách khéo léo, thiệp mừng này rất phổ biến tại Nhật, chứa đựng hàm ý cầu chúc đôi lứa sống hạnh phúc, bền lâu. Và hình ảnh con chim hạc đã trở nên rất quen thuộc trong bộ môn nghệ thuật xếp hình origami…
Từ xa xưa, người Nhật cổ đã tin rằng, nếu ai đó xếp đủ 1000 con hạc giấy thì họ sẽ có một điều ước cho sức khỏe, sự bình an và hạnh phúc.Niềm tin ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho rất nhiều người trong cuộc sống còn nhiều khổ cực. Ở Nhật bản không ai là không biết câu chuyện cảm động về cô bé Sadako Sasaki với 1000 hạc giấy được gấp trước khi bị thần chết cướp đi. Sadako sinh tại Hiroshima trong thời điểm nước Nhật đang tham chiến trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2. Cha cô bé cũng là một quân nhân trong quân đội Nhật Hoàng. Vào ngày Mỹ thả quả bom nguyên tử xuống Hiroshima, Sadako đã bị sức ép của bom hất văng ra khỏi nhà và cô may mắn khi chỉ bị thương nhẹ nhưng sức công phá của bom nguyên tử đã hủy diệt sức sống của quê hương cô bé. Hai năm sau khi chiến tranh kết thúc, cuộc sống mới bắt đầu trở lại bình thường trên quê hương cô nhưng những hậu quả mà chiến tranh nó để lại vẫn còn rất lớn. Sadako cũng trở lại trường học để thực hiện mơ ước trở thành giáo viên thể chất. Trớ trêu thay, chất phóng xạ của quả bom nguyên tử năm nào đã khiến cô mắc phải căn bệnh máu trắng quái ác. Nằm trong bệnh viện điều trị Sadako nhớ lại,
Câu chuyện về 1000 con hạc giấy mà một người bạn đã kể cho cô bé nghe, rằng, nếu ai gấp được 1000 con hạc giấy người đó sẽ được 1 điều ước. Và Sadako bắt đầu gấp hạc với ước nguyện mình sẽ lành bệnh. Cô bé đã dùng giấy dán trên những chai thuốc, vỏ hộp thuốc và bất cứ tờ giấy nào cô bé bắt gặp để gấp. Mặc cho những nỗi đau về thể xác dày vò, Sadako vẫn kiên trì gấp cho đủ 1000 con hạc giấy.Những chú hạc nhỏ bé và mong manh được Sadako xâu lại thành chuỗi và treo bên cạnh giường bệnh của mình. 1000 con hạc giấy đã đủ nhưng bệnh tình của Sadako lại ngày một trầm trọng. Cô bé đã không đổi lại được điều ước cho mình nhưng hình ảnh 1000 con hạc giấy từ đó về sau đã tiếp thêm nghị lực sống cho mọi người dân Nhật Bản và xây dựng ở họ một niềm tin bất diệt về hạnh phúc và hòa bình.Sau khi Sadako mất, phong trào “Phản đối vũ khí hạt nhân và chạy đua vũ trang” đã diễn ra trên toàn nước Nhật. Người dân Nhật Bản quyết định xây dựng một tượng đài trẻ em vì hòa bình thế giới để tưởng niệm Sadako và những trẻ em đã chết vì bom nguyên tử. Sau gần 3 năm xây dựng, tượng đài Trẻ em vì Hòa bình nằm trong công viên Hòa Bình của thành phố Hiroshima được khánh thành. Tượng đài nằm ngay cạnh nơi quả bom nguyên tử rơi năm xưa với hình ảnh cô bé Sadako đứng trên quả bom nguyên tử, tay giơ cao con hạc giấy, bên dưới là dòng chữ: “Ước nguyện tha thiết của chúng ta là hòa bình trên trái đất”. Vào ngày tưởng niệm các nạn nhân trong thảm họa, người dân ở khắp mọi nơi trên thế giới đã gửi đến Nhật Bản thật nhiều những cánh hạc giấy. Và bởi thế, chim hạc chính là một biểu tượng cho khát vọng sống và khát vọng hòa bình.Từ trong truyền thuyết, chim hạc bước vào đời sống và trở thành một biểu tượng văn hóa linh thiêng, cao quý trong đời sống con người Nhật Bản. Từ trong đau khổ, con người Nhật Bản đã xây dựng nên một hình ảnh tuyệt vời tượng trưng cho nghị lực sống và khát vọng hòa bình. Những cánh hạc vẫn mãi bay trên bầu trời của sự tự do và hòa bình, câu chuyện về 1000 hạc giấy vẫn mãi đi cùng tình yêu của mọi người trên thế giới…
Nguồn Sưu tầm