Đã bao giờ các bạn thử tự đặt cho mình câu hỏi “Chết là gì” hay thử suy nghĩ nghiêm túc về cái chết chưa?
Người Việt Nam mình thường hay nói câu “Chết là hết”, thế nhưng hầu hết cho đến khi chết cũng không có nhiều người suy nghĩ nghiêm túc về cái chết.
Bạn có tin rằng ở một trường đại học nổi tiếng Yale của Mỹ, có một môn học về “cái chết” này không? Shelly Kagan là giáo viên dạy môn này và đã 23 năm trôi qua kể từ khi ông dạy tiết học đầu tiên, cho đến nay đây vẫn là một trong những môn học có số lượng học sinh đăng ký nhiều nhất.
Shelly Kagan đã viết một cuốn sách tổng hợp lại nội dung mà ông hay giảng dạy cho sinh viên, cuốn sách đó cũng đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới và đã bán được hơn 250,000 bản.
TẠI SAO CHẾT LẠI LÀ ĐIỀU XẤU?
Phần lớn con người chúng ta đều đang nghĩ rằng “chết” là một điều gì đó không tốt đúng không?
Cũng có một số người cho rằng “Chết là một sự giải thoát từ sự sống” nhưng liệu trong thâm tâm của chúng ta có thực sự nghĩ được như vậy?
Đầu tiên, tác giả đã chỉ ra những luận điểm của mình về cái chết. “Liệu cái chết có thực sự xấu” và “Nếu chết là một việc xấu thì tại sao?”
Giả sử chết là một việc xấu, thì sẽ có 2 trường hợp sau:
- Chết là việc xấu đối với những người xung quanh
- Chết là việc xấu đối với chính bản thân người đó
Hãy thử suy nghĩ về trường hợp đầu tiên: “Chết là việc xấu đối với những người xung quanh”.
Đương nhiên rồi! Làm gì có ai mà không đau khổ khi mất đi người thân hoặc người mà chúng ta yêu thương cơ chứ!
THẾ NHƯNG, tác giả đã phủ định điều này.
Để giải thích cho điều này, Shelly Kagan đã đưa 2 ví dụ như sau:
Ví dụ 1: Các bạn hãy thử tưởng tượng bạn có một người bạn đang chuẩn bị bay vào vũ trụ để thám hiểm một ngôi sao xa xôi nào đó. 20 phút sau khi khởi hành, bạn không thể liên lạc được với người bạn đó và 100 năm sau người bạn của bạn mới quay trở về. Vì người đó di chuyển với tốc độ gần với tốc độ của ánh sáng nên người nó chỉ bị già đi 10 tuổi trong khoảng thời gian 100 năm. Và khi trở về thì bạn đã chết. Điều đó có nghĩa là bạn và người bạn đó đã rơi vào trạng thái “Ly biệt” và không thể gặp lại nhau lần nào nữa.
Ví dụ 2: Cũng người bạn đó của bạn, nhưng chỉ 25 phút sau khi lên tàu để đi vào vũ trụ thì tàu gặp tai nạn. Tất cả người trên tàu bao gồm cả bạn của bạn đều bị chết.
Đa phần con người chúng ta đều nghĩ ở ví dụ 2 thì xấu hơn ví dụ 1 đúng không? Và lý do ở đây đương nhiên không phải là vì mình không gặp được người bạn đó nữa vì trong cả 2 trường hợp kết quả đều như vậy.
Trong cả 2 trường hợp trên thì chúng ta đều sẽ không gặp lại người bạn đó nữa, thế nhưng tại sao hầu hết chúng ta lại chỉ cảm thấy đau khổ ở ví dụ số 2? Lý do chính là vì chúng ta tự cảm thấy “Người bạn của mình thật là đáng thương”.
Vậy, chúng ta sẽ quay trở lại với câu hỏi ban đầu: “Chết là việc xấu với bản thân hay người xung quanh?” Qua ví dụ trên, chúng ta tạm có thể kết luận được rằng “Chết là việc xấu đối với bản thân chứ không phải là việc xấu đối với người xung quanh”.
CHẾT LÀ VIỆC XẤU ĐỐI VỚI BẢN THÂN?
Tiếp theo, hãy thử suy nghĩ kĩ hơn về việc liệu “Cái chết có phải là việc xấu đối với bản thân hay không?”
Ai cũng biết rằng “Người chết sẽ không thể nhận biết được cái chết”, do đó có vẻ như giả thuyết này cũng không đúng.
Shelly Kagan đã sử dụng giả thuyết tạm gọi là “thuyết mất mát” để giải thích cho vấn đề này. “Thuyết mất mát” ở đây có nghĩa là “Nếu chết đi, con người sẽ không được hưởng những quyền lợi hay những lợi ích mà mình có được khi còn sống nữa, do đó chết là xấu đối với bản thân”. Nói cách khác “Cái chết sẽ cướp đi những trải nghiệm vui vẻ có thể có trong tương lai của con người”.
“Thuyết mất mát” này sẽ phát sinh khi con người không còn tồn tại. Vậy thì, “không tồn tại = việc xấu” liệu có đúng không?
Hãy cùng thử suy nghĩ tiếp tục về 2 vấn đề sau đây:
- “Trước khi sinh ra và sau khi chết đi” đều xấu giống như nhau?
- Hãy thử suy nghĩ về một đứa bé không được sinh ra
LIỆU CHẾT VÀ KHÔNG ĐƯỢC SINH RA CÓ LÀ 2 VIỆC XẤU GIỐNG NHAU?
Nếu như không tồn tại là việc xấu thì không chỉ sau khi chết mà ngay cả khoảng thời gian trước khi sinh ra cũng là xấu.
Thế nhưng, không có ai trên trái đất này đang hoặc đã nghĩ để oán trách về khoảng thời gian vô tận trước khi mình ra đời đó.
Trước khi sinh ra và sau khi chết đi chúng ta đều không tồn tại, và điểm khác biệt rõ nét duy nhất ở đây là “Có hay không cái để mất”.
Bản chất của con người thường cảm thấy khó chịu khi đánh mất một thứ gì mình đang có hơn là không đạt được những gì mà mình chưa có.
Các bạn thử nghĩ xem. Những người mà muốn mình được sống lâu hơn chắc chắn nhiều hơn rất nhiều những người mà muốn được sinh ra sớm hơn đúng không?
LALY ĐÃ KHÔNG ĐƯỢC SINH RA
Ai trong số chúng ta cũng được sinh ra sau quá trình thụ thai của tình trùng từ bố và trứng từ mẹ. Chỉ cần một con tinh trùng khác, hay một trứng khác, chắc hẳn người được sinh ra sẽ không phải là bạn mà là một người hoàn toàn khác. Shelly Kagan giả sử người đó tên là Laly.
Chính nhờ Laly không sinh ra mà mới có được bạn như ngày hôm nay.
Nhưng không ai trong chúng ta oán trách về việc Laly không được sinh ra hay nói cách khác là Laly không tồn tại này. Như vậy lý thuyết “Không tồn tại = Việc xấu” ở trên cũng là không chính xác.
TỔNG KẾT
Liên quan đến vấn đề “chết là gì ” và “Liệu cái chết có phải là việc xấu?”, Shelly Kagan đã kết luận như sau:
“Nếu hỏi tôi chết có gì không tốt, thì câu trả lời là bạn sẽ không thể được trải nghiệm những điều tốt như khi bạn còn sống”.
Những lời mà Shelly Kagan muốn nhắn nhủ đã quá rõ ràng rồi đúng không? Đó chính là khi còn sống, hãy cố gắng trải nghiệm thật nhiều điều tốt, để khi chết – việc mà bất kì ai cũng không né tránh được đó, chúng ta sẽ không còn gì để phải hối tiếc.