CUỐN SÁCH DẠY CON CHUYÊN CẦN HỌC TẬP, BỒI ĐẮP THIỆN LƯƠNG NỔI TIẾNG TRONG LỊCH SỬ Á ĐÔNG.
Nhiều người Việt Nam đã thuộc nằm lòng câu nói: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Đây cũng chính là câu mở đầu của bộ sách giáo dục trẻ em truyền thống “Tam tự kinh”, từng được ngợi ca và sử dụng rộng rãi ở các nước Á Đông như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. “Tam tự kinh” chỉ có trên 1000 chữ nhưng bao trùm cả văn học, lịch sử, triết học, thiên văn, địa lý, luân thường đạo lý. Sách thích hợp với trẻ nhỏ nhờ hình thức thơ 3 chữ ngắn, đơn giản, có thể hát như đồng dao nghe rất vui tai.
Tiếp theo bộ kinh điển giáo dục trẻ em “Phép tắc người con” (Đệ tử quy), DKN hy vọng rằng bộ sách “Tam tự kinh” (chọn lọc) này sẽ giúp các em nhỏ và mỗi người chúng ta nuôi dưỡng bản tính thiện lương, tịnh hóa tâm hồn, tìm lại và nâng cao những giá trị truyền thống tốt đẹp trong thời buổi đạo đức suy thoái hôm nay.
TAM TỰ KINH – BÀI 14
Phàm dạy trẻ, phải giảng kỹ
Tỏ lời huấn, rõ câu cú.
Người đi học, phải khởi đầu
Hết tiểu học, đến Tứ thư.
DIỄN GIẢI:
Phàm là việc dạy bảo trẻ nhỏ khi mới nhập học, phải đặc biệt chú trọng đến phương pháp dạy học. Thầy giáo phải hiểu cặn kẽ rồi mới lấy hàm ý mỗi chữ mà giảng giải rõ ràng, dạy bọn trẻ khi đọc sách biết được chỗ nào thì ngắt câu là hợp lý (trong sách cổ không có ngắt câu nên gọi là “bạch thư”, để đọc và ngắt đúng thì phải dựa vào các hư từ).
Người đọc sách và nghiên cứu học vấn trong tương lai ắt phải nghiên cứu kỹ càng cổ thư của Thánh hiền. Cho nên, phải trang bị tốt nền tảng đọc hiểu ngữ văn và văn chương cổ. Với mỗi chữ, cần học tốt hình dạng, phát âm, ý nghĩa của chữ, cho đến cách ngắt câu; mới có thể tiến một bước nghiên cứu cặn kẽ Tứ thư.
CÂU CHUYỆN THAM KHẢO:
CHỮ VIẾT CỦA NGƯỜI TRUNG HOA
Văn tự phương khối (viết trong khung vuông) của Trung Quốc là loại chữ viết thú vị, vô cùng hài hoà đẹp mắt. Mỗi chữ là một âm tiết, còn có hình, có âm, có nghĩa. Mỗi nét bút đều ẩn chứa câu chuyện khiến người ta cảm khái, chỉ cần hiểu được nguyên tắc cấu tạo chữ lúc ban sơ của chữ Trung Quốc, thì sẽ hiểu được ngọn nguồn của nó, dù chữ khó thế nào thì nhìn cũng không quên.
Tự hình của mỗi chữ Trung Quốc thông thường phản ánh ra ý nghĩa sớm nhất của chữ đó, cũng chính là “nghĩa gốc” (bản nghĩa), từ nghĩa gốc đem đến các nghĩa liên quan, gọi là “nghĩa rộng/nghĩa bóng”. Chúng ta có thể từ thiên bàng (bộ thủ), cũng chính là từ tự hình của một chữ mà hiểu được ý nghĩa và âm đọc chữ đó. Đại đa số bộ thủ đều là ký hiệu có nghĩa, tự nghĩa hơn quá nửa là liên quan; bộ thủ trong chữ giống nhau, thì tự âm quá nửa là đọc gần giống nhau. Nhưng do hàm nghĩa văn tự tuỳ theo thời đại mà chuyển dời mà biến hoá, cho nên phải khảo cứu rõ ý nghĩa mỗi câu thoại trong văn chương, mới có thể thật sự hiểu được ý tứ của văn chương.
Chúng ta có thể lấy bộ Nhật (日) làm ví dụ. Giáp cốt văn của Nhật (日) giống hình thái của Mặt Trời, nghĩa gốc là “Mặt Trời”. Lấy Nhật (日) làm bộ thủ, đa phần có liên quan đến Mặt Trời. Ví như trong chữ Đán (旦, sáng sớm), chữ Nhất (一) chỉ trên mặt đất. Sáng sớm, Mặt Trời vừa mới từ đường chân trời mọc lên là Đán (旦). Lại ví như trong chữ Thị (是), chữ Chính (正) bên dưới là đi về phía trước một cách không lệch không nghiêng, nghĩa là lộ tuyến chính xác. Chữ Nhật (日) bên trên trong tâm mắt của người xưa là chính (正, đúng), trực (直, thẳng), rồi lại suy ra nghĩa “chính xác”. Như thị (是) trong thị phi (是非, đúng sai), nhất vô thị xứ (一無是處, chẳng có cái đúng), thực sự cầu thị (實事求是, thực sự cầu đúng) đều là ý nghĩa này.
Bộ Nhật
Bộ Sơn
Chữ tượng hình tiến hoá (Nguồn Wikipedia)
Ngoài ra, vì trong cổ thư không có dấu chấm câu, việc đầu tiên khi thầy giáo lên lớp chính là chỉ dẫn trẻ làm thế nào để ngắt câu, khiến chúng hiểu được bao nhiêu chữ là một câu, bao nhiêu chữ thì nên dừng lại. Tiếp theo, mới có thể đi sâu vào việc dạy và học.
Dấu chấm câu là một bộ phận trong văn chương, khi vận dụng thích hợp thoả đáng có thể biểu đạt minh xác ý nghĩa câu văn. Một câu thoại nếu di chuyển dấu chấm câu, ý nghĩa sẽ sai biệt rất lớn. Có một câu chuyện như sau:
Trước đây có một người xuất ngoại viễn du, vì trời mưa nên trú nhờ nhà một người bạn. Trú mưa được hồi lâu, người chủ hà tiện có chút sốt ruột, nhưng lại ngại ngùng nói ra, bèn viết lên giấy một đoạn như sau: “Trời mưa cả ngày, giữ chân khách ngày qua ngày, ta không muốn giữ” (Hạ vũ thiên/ lưu khách thiên thiên lưu/ ngã bất lưu – 下雨天 留客天天留 我不留), hy vọng người khách có thể biết điều mà nhanh chóng rời đi.
Người khách xem xong, trong tâm hiểu được cách nghĩ của người chủ, nhưng anh ta quyết định trêu chọc bạn mình. Anh bèn lấy bút mực, dưới “lưu khách thiên” (留客天) thêm dấu phẩy, dưới chữ bất (不) thêm dấu chấm hỏi (vì viết chữ Hán viết từ trên xuống dưới, từ phải qua trái), thế là chữ trên tờ giấy trở thành: “Mưa cả ngày, giữ khách cả ngày, Trời có muốn tôi lưu khách? Lưu!” (Hạ vũ thiên, lưu khách thiên, thiên lưu ngã bất, lưu – 下雨天,留客天,天留我不?留!). Vị chủ nhà xem xong vô cùng tức giận nhưng cũng không biết làm sao.