Thực trạng thông qua một nghiên cứu kinh tế thú vị có thể đem lại cho bạn rất nhiều lợi ích to lớn về mặt tài chính trong tương lai gần.
Theo một nghiên cứu do các Giáo sư Đại học Michigan tiến hành trên 100.000 hộ gia đình ở Mỹ trong 7 năm, các tác giả đã ghi chép nhật ký lịch trình mua giấy vệ sinh của các gia đình này. Kết quả nghiên cứu cho thấy một nghịch lý: người nghèo phải thường chi ra nhiều hơn để mua những sản phẩm chất lượng kém hơn, trong khi người giàu chi ra ít hơn nhưng lại mua được những sản phẩm tốt hơn.
Chẳng hạn, thay vì trả 24 USD cho 30 bịch giấy vệ sinh (khi có khuyến mãi), người nghèo chọn trả 5 USD cho 4 bịch giấy (vì không muốn bỏ ra 24 USD dù có lợi hơn nhờ khuyến mãi). Sau đó, vì không có dự trữ nên khi dùng hết, người nghèo buộc phải mua thêm dù tại thời điểm đó không có chương trình khuyến mãi.
Một lần nữa, nghiên cứu này khẳng định thêm luận điểm về thói quen chi tiêu của người nghèo: chi ít hơn nhưng rốt cuộc tốn kém nhiều hơn, chưa kể giá trị nhận lại thấp hơn. Trong khi ở chiều ngược lại, từ góc độ của người giàu: chi nhiều hơn nhưng lại tiết kiệm hơn, còn nhận được giá trị lớn hơn.
Giáo sư Orhun, tác giả nhóm nghiên cứu chia sẻ: "Người nghèo nên xem xét lại cách tiết kiệm tiền bằng việc đưa ra những quyết định tài chính thông minh hơn, thay vì cứ mua hàng với giá rẻ tại một thời điểm và tốn tiền hơn về sau này."
Nghiên cứu kinh tế trên không chỉ ứng dụng trong lĩnh vực tiêu dùng hằng ngày, mà còn rất hiệu quả trong lĩnh vực phát triển bản thân – một việc mà bạn phải làm cả đời.
Bạn hãy thử tưởng tượng xem, nếu kiếp sau bạn phải chọn là một con sư tử hoặc là một con linh dương ở châu Phi, bạn sẽ chọn là con nào?
Sự thực là con nào không quan trọng như chúng ta lầm tưởng. Bởi lẽ, mỗi sáng ở châu Phi, con linh dương thức dậy biết rằng nó phải chạy nhanh hơn con sư tử nhanh nhất nếu không muốn bị giết. Mỗi sáng, con sư tử thức dậy biết rằng nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chậm nhất hoặc nó sẽ bị chết đói. Điều quan trọng không phải ở chỗ bạn là sư tử hay linh dương. Khi mặt trời mọc, bạn vẫn phải bắt đầu chạy.
Con người chúng ta cũng đang sống trong một xã hội tương tự như thế. Trừ khi bạn bỏ lên chốn rừng rú sống tự cung tự cấp, chứ ngày nào còn sống trong xã hội văn minh thì khi xã hội càng phát triển, bạn vẫn luôn phải "chạy" nhanh hơn. Nhiều chuyên gia dự đoán, trong vòng 10-20 năm nữa, gần 50% công việc của con người sẽ rơi vào tay robot. Không cần đợi đến khi đó, ngay ngày hôm nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang đẩy hàng chục triệu người ra đường và con số đó ngày càng tiếp tục tăng nhanh.
Điểm mạnh của robot là chúng có thể học được kiến thức của con người với tốc độ khủng khiếp và có thể nhanh chóng tìm ra giải pháp cho những vấn đề cần nhiều sự tính toán. Nhưng điểm yếu của robot là rất khó học được các kỹ năng mềm và cách ứng xử của con người trong giao tiếp, phối hợp làm việc, đàm phán, động viên, dẫn dắt,… Chính vì thế, việc rèn luyện kỹ năng mềm trở thành vũ khí quan trọng để những người có tầm nhìn xa có thể cạnh tranh với những đối thủ robot cực kỳ lạnh lùng vừa mới xuất hiện này.