12 Giai Đoạn Tha Thứ Đích Thực (Lm. Jean Monbourquette, OMI)
Sự tha thứ phải tuân theo những định luật phát triển của con người và phải thích ứng với những chu kỳ trưởng thành của nhân vị. Tha thứ phát xuất bởi một qui trình đòi hỏi sự dấn thân của tất cả mọi khả năng của con người và theo một lộ trình chia ra nhiều giai đoạn.
GIAI ĐOẠN 1: Không trả thù và chấm dứt cử chỉ xúc phạm
1. Quyết định không báo thù:
Sự trả thù sẽ lôi kéo cả một chuỗi những cay đắng và bất hạnh sau đây.
Sự báo thù hướng chú tâm và nghị lực của bạn lui về quá khứ. Không còn chỗ hiện tại và tương lai nữa.
Tinh thần trả đũa khơi sâu thêm vết thương của bạn bằng cách không ngừng nhắc đến nó. Nó ngăn cản bạn vui hưởng sự bình an và yên tĩnh cần thiết cho sự chữa lành vết thương và liền sẹo.
Để có thể thỏa mãn lòng báo thù của bạn, bạn sẽ phải bắt chước kẻ đã xúc phạm bạn, dù bạn không muốn, và bạn để cho mình bị lôi cuốn vào vòng thù hận.
Sự trả thù sẽ cản trở việc tăng trưởng nhân cách của bạn, và bóp nghẹt mọi sáng kiến sáng tạo.
Việc bạn khoái chí khi trả thù sẽ phát sinh nơi bạn một mặc cảm tội lỗi, vì bạn đã dùng đau khổ của người khác để xoa dịu việc bạn bị sỉ nhục.
Sau khi trả thù, bạn sẽ cảm thấy bị ám ảnh bởi nỗi lo sợ bị người khác trả thù trong một tương lai gần.
Sự trả thù sẽ nuôi dưỡng trong lòng bạn sự oán giận, hiềm khích, rồi hệ thống miễn dịch của bạn sẽ bị tấn công và sẽ gây nên một lô bệnh về thần kinh thực vật.
2. Chấm dứt những cử chỉ xúc phạm:
Đó chính là tự trọng không tấn công kẻ xúc phạm. Bao lâu còn tiếp tục cách ứng xử xúc phạm thì nghĩ đến việc tha thứ là vô hiệu. Làm sao người ta có thể tha thứ, khi mà thường xuyên còn bị bạo lực khuất phục?
Tuy nhiên, tha thứ không có nghĩa là không dám can đảm chất vấn một người xúc phạm, và nếu cần, phải nại tới công lý. Đức Gioan-Phaolô II đã tha thứ cho kẻ ám sát ngài là Agça, nhưng ngài đã không bao giờ xin cho anh ta thoát khỏi công lý.
GIAI ĐOẠN 2: Nhận biết thương tổn và sự nghèo nàn của mình
Một trong những điều đầu tiên là sống biến cố bị xúc phạm. Bạn sẽ học chấp nhận nó, chữa lành nó và biến đổi nó cho lợi ích của bạn. Ứng xử với điều xúc phạm cũng giống như với một lưỡi câu đâm vào ngón tay: bạn không thể lấy lưỡi câu đi bằng cách lôi nó ra được, nhưng bạn phải đẩy lưỡi câu sâu vào trong thịt để rồi lôi cái đầu lưỡi câu ra bên kia.
1. Các cơ chế tự vệ:
Tâm thần con người được tổ chức tốt để tự vệ chống lại sự xâm nhập của một đau khổ quá lớn lao. Khi nỗi đau trở thành không thể chịu đựng được thì tâm thần con người tìm cách làm giảm nhẹ sự va chạm của nó bằng nhiều cách khác nhau.
Những cơ chế tự vệ sinh lý và tâm lý cho phép những người bị tổn thương sống còn và theo đuổi các hoạt động mà không phải suy sụp hoàn toàn.
Tuy nhiên, những cơ chế tự vệ nầy sẽ tỏ ra vô ích, và có khi nguy hại, nếu chúng cứ tiếp tục bảo vệ một người nào đó khi họ đã qua khỏi cơn nguy hiểm. Con người nầy giống như một cảnh sát viên cứ mặc chiếc áo chống đạn sau khi thi hành công vụ, để được an toàn trong nhà ở của mình.
2. Những sức kháng cự (tự vệ) do khả năng nhận thức:
Những sức kháng cự nầy mặc nhiều hình thức.
Trước hết là hình thức quên đi: người ta nhận thức rằng việc quên đi điều xúc phạm, hoặc tác động của nó, sẽ là lý tưởng để theo đuổi trong hành động tha thứ.
Tiếp đến là hình thức xin lỗi: người ta sẽ phát minh ra đủ thứ xin lỗi giả trá nhằm gỡ bỏ trách nhiệm cho kẻ xúc phạm.
Cuối cùng là hình thức muốn xoá bỏ cuộc xung đột nhằm tha thứ nhanh chóng và bề ngoài.
3. Những sức kháng cự (tự vệ) do cảm xúc:
Cần lưu ý đến mối tương quan giữa sự xấu hổ và sự tha thứ. Chắc chắn sự xúc phạm gây nên một cảm giác sỉ nhục và xấu hổ. Cảm giác nầy còn lớn lao hơn nếu sự xúc phạm phát xuất từ một người được mình yêu mến hay kính trọng.
Muốn tha thứ mà không ý thức đến sự sỉ nhục và xấu hổ đi theo sự xúc phạm là tiến đến ngõ cụt. Ý muốn tha thứ, dù có quảng đại đi nữa, cũng che đậy một nhu cầu tự vệ chống lại sự xấu hổ vì cảm thấy mình “thấp kém”.
Thách đố lớn chính là nhìn nhận cảm giác xấu hổ sâu xa của mình để chấp nhận nó, tương đối hóa nó, tiêu hóa nó và hội nhập nó. Một khi được thuần hóa, tình cảm xấu hổ đó không những trở nên có thể chịu đựng được, mà nó còn làm cho con người ý thức hơn về sự bất lực và hữu hạn của con người. Chúng ta cần phải nhận ra các mặt nạ của cảm giác xấu hổ: sự tức giận, ý muốn quyền lực, óc luân lý biệt phái, mặc cảm nạn nhân, và chủ nghĩa cầu toàn.
Sự tức giận và nhu cầu trả thù thường được sử dụng để che đậy sự xấu hổ. Thay vì chấp nhận nó, người bị xúc phạm lấy làm xấu hổ và phản ứng lại bằng cách muốn hạ nhục kẻ xúc phạm.
Ý muốn quyền lực là một hình thức khác của sự che đậy xấu hổ. Người bị xúc phạm, không có khả năng chấp nhận sự sĩ nhục của mình, sẽ sử dụng sự tha thứ như một phương tiện làm nhục kẻ đã gây ra thiệt hại cho mình. Người đó có vẻ như muốn nói:“Anh thấy đó, tôi trổi hơn anh và tôi sẽ chứng minh điều đó bằng cách tha thứ cho anh”.
Đối ngược lại não trạng biệt phái trên là người lôi kéo lòng thương hại của những người khác, bằng cách than phiền về kẻ bách hại và những hành động xấu của họ.
Cuối cùng, để trở nên một người không gì chê trách được trong mọi sự và ở mọi nơi, nên gương mẫu về nhân đức, có người tự bắt buộc mình phải tha thứ.
GIAI ĐOẠN 3: Chia sẻ thương thổn của mình với một người nào đó
1. Tại sao phải chia sẻ nội tâm bị thương tổn của bạn?
Một trong những khía cạnh khó khăn nhất, chính là cảm giác phải vác gánh nặng một mình đơn độc trên đời. Vì thế, khi bạn kể chuyện của mình ra với người nào đó muốn lắng nghe bạn thì bạn không còn đơn độc nữa.
Ngoài ra, việc bạn tâm sự với một người nào đó sẽ làm cho bạn sống lại biến cố thương tổn cách bình tĩnh hơn. Bạn sẽ tận dụng điều đó để ý thức những cảm xúc còn canh cánh trong lòng. Quá khứ chỗi dậy và trở thành hiện tại. Bạn sẽ sống lại thảm kịch của bạn, nhưng lần nầy trong bối cảnh được an lòng hơn. Quan niệm của bạn về sự xúc phạm sẽ thay đổi. Bạn sẽ thấy nó bớt đe dọa hơn và có thể chịu đựng dễ hơn.
Lợi ích sau cùng bạn có thể rút ra được từ những cuộc trao đổi của bạn với một người khác: từ sự kiện người đó đã đón nhận bạn với lòng trắc ẩn, bạn sẽ sẵn sàng hơn để đón nhận chính mình với lòng bao dung, và sẽ mang lại cho bạn bình an và yên tĩnh nội tâm.
2. Chia sẻ với chính kẻ gây nên xúc phạm:
Nhà tâm lý trị liệu James Sullivan khẳng định rằng sự thành công của việc tha thứ tùy thuộc vào ba điều kiện cốt yếu sau đây về phía người gây nên xúc phạm:
– Nhìn nhận lầm lỗi của mình,
– Biểu lộ sự ân hận của mình,
– Quyết định không tái phạm nữa.
Một người bị sỉ nhục trước mặt nhiều người và có ý định trả thù, nhưng đợi lúc thuận tiện, sau khi đã cầu nguyện và bình tĩnh, để chia sẻ với người đó về nỗi sỉ nhục và tức giận, nhưng rồi hết sức ngạc nhiên là người đó đã khiêm tốn xin lỗi, rồi bắt đầu thổ lộ suốt một giờ về những khó khăn riêng của người đó. Xem ra sự cởi mở đã khơi lên sự cởi mở, và một mối thân tình mới đã được tạo lập giữa hai người.
3. Khi không thể chia sẻ với kẻ gây xúc phạm:
Chẳng hạn trường hợp của một thiếu nữ kia là nạn nhân của lạm dụng tình dục do dượng ghẻ gây nên. Sau một thời gian dài, cô cảm thấy nhu cầu phải nói với ông về những hậu quả tác hại ông đã làm cho cô phải chịu đựng. Cô cảm thấy thời gian cấp bách, vì ông dượng bị ung thư giai đoạn cuối. Còn ông ta luôn tránh đề cập tới vấn đề đó. Không thể đối thoại được với dượng, cô nghĩ rằng không thể tha thứ cho ông.
Thiếu nữ đó đã được khuyên sử dụng ngôn ngữ thinh lặng của tâm hồn để liệu tình hình mà tha thứ cho ông. Trong những lúc thinh lặng ở bên giường bệnh của ông dượng, cô đã tạo nên một tương quan sâu xa bằng cách đồng cảm với những đau đớn của ông, rồi cô đã thầm kể trong lòng cho ông dượng tất cả những đau khổ mà “việc ấy” đã gây nên nơi cô. Sau nhiều lần cô để cho con tim mình nói lên, cô cảm thấy sự tha thứ trỗi dậy và cảm thấy được nâng đỡ sâu xa. Điều lạ lùng là dượng cô có vẻ được bình an hơn nhiều.
Tình trạng sẽ phức tạp khi kẻ gây nên xúc phạm từ chối nhìn nhận lầm lỗi của mình, hoặc kẻ gây nên xúc phạm vắng mặt, không thể gặp được, lạ mặt, hay đã chết. Trong hoàn cảnh tương tự, James Sullivan gợi ý cho người tư vấn đóng vai kẻ gây nên xúc phạm, nhân danh kẻ gây nên xúc phạm để nhìn nhận lỗi lầm của y, bộc lộ sự hối hận và quyết tâm của y.
Đối mặt với một kẻ gây nên xúc phạm không hối cải và ngoan cố, phương thế cuối cùng là phó thác người đó cho Chúa, như một khoản luật Dothái ghi: “Nếu kẻ xúc phạm đến ngươi không muốn sửa chữa, ngươi hãy giao phó nó cho sự công bằng của Thiên Chúa”.
TT..qua sách
Ủng Hộ Tác Giả, bằng việc mua sách đặt trên đầu nằm là đã giúp tác giả.
Http://www.diaocthoidai.com: nhận chia sẽ:
Thưởng thức sách bằng Link đăng ký bên dưới:
Nhận quyển sách TẠI ĐÂY: