Hôm thứ Năm tuần trước, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) là bà Olga Skorobogatova đã tuyên bố: “2 tháng trước, chúng tôi đã có một cuộc họp với các Bộ và tổ chức về việc phân loại các loại tiền ảo không được phát hành bởi chính phủ, nhưng vẫn đang được sử dụng tại Nga.
Chúng tôi đề xuất việc xem các loại tiền này là các hàng hóa kỹ thuật số và sử dụng luật về hàng hóa số để quản lý chúng, với một số sửa đổi nhất định về việc đánh thuế, kiểm soát và lưu trữ hồ sơ”.
Cũng theo bà Skorobogatova, đề xuất này đã nhận được sự hỗ trợ của tất cả các bộ, và CBR đang có kế hoạch đưa ra bản dự thảo luật đầu tiên trong vòng 1 tháng.
Bà Olga Skorobogatova, Phó Thống đốc CBR. Ảnh: cointelegraph.com
Trong hơn 1 năm qua, chính phủ Nga đã xem xét việc nên có quan điểm chính thức như thế nào về tiền ảo. Đã từng có lúc chính phủ xem xét việc cấm hẳn tiền ảo, vì nó không được chứng nhận bởi CBR.
Theo tin tức từ hãng thông tấn TASS của Nga, CBR và Bộ Tài chính Nga tin rằng việc giao dịch bằng tiền ảo có thể được hợp pháp trong năm 2018. Thứ trưởng Tài chính Alexei Moiseev khẳng định rằng việc hợp pháp hóa tiền ảo cần phải là một phần trong chiến dịch hạn chế các hoạt động chuyển tiền bất hợp pháp, vì chính phủ cần biết ai tham gia giao dịch.
Có một điều rất đáng chú ý là ông Herman Gref, CEO kiêm chủ tịch của ngân hàng lớn nhất nước Nga Sberbank, cũng từng thừa nhận mình có sở hữu và tham gia giao dịch tiền ảo bitcoin. Gref được xem là một trong những nhân vật ủng hộ tiền ảo nhiệt tình nhất tại Nga.
Herman Gref, CEO kiêm chủ tịch Sberbank. Ảnh: wikimedia.org
Trước đây, ông Gref từng làm Bộ trưởng Kinh tế Nga giai đoạn 2000-2007. Sberbank là ngân hàng thuộc sở hữu của chính phủ Nga, với 50% cổ phần nằm trong tay CBR.
Hồi tháng 3/2017, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng phát biểu rằng việc sử dụng rộng rãi công nghệ chuỗi khối (blockchain), vốn là nền tảng của bitcoin, có thể giúp nước Nga chống lại tệ quan liêu: “Công nghệ này loại bỏ các nhà trung gian, và tính xác thực của các giao dịch được xác nhận bởi chính cộng đồng người dùng. Do không có kho lưu trữ thống nhất và dữ liệu được chia nhỏ ra làm nhiều khối, nên việc sửa đổi hay thâm nhập vào hệ thống dữ liệu này mà không có sự đồng thuận của người dùng là bất khả thi”.
Tuấn Minh
Nguồn TASS/SputnikNews