Vòng đời người hữu hạn. Chúng ta vẫn thường có suy nghĩ như vậy khi nghĩ đến một ngày mình trở nên già yếu hoặc chết đi. Con người được sinh ra, nuôi lớn trưởng thành và cảm nhận cuộc sống qua sự biến chuyển của vạn vật xung quanh. Thật sự bản thân mỗi người đã để cơ thể tự nuôi sống lấy mình quá lâu. Nghe có vẻ hơi xa vời, nhưng rõ ràng chỉ đến khi nào sức khỏe tự phát ra những tín hiệu bất khả kháng, con người mới chạy vội kiếm tìm sự trợ giúp bên ngoài từ thuốc men, y tế. Ở xã hội hiện đại, khi chúng ta nghe ngóng quá nhiều về những câu chuyện tự kết thúc đời mình, như một cách tìm đến sự giải thoát trong cuộc sống, ta lại hoang mang, tìm cớ lý giải cho sự sống này. Hình hài, cơ thể mà mỗi người đang sở hữu không phải tự nhiên mà có được, và hoàn toàn không phải là sự tồn tại vô giá trị. Nhưng tại sao, con người chúng ta, đã đôi lần không tránh khỏi những suy nghĩ tiêu cực về bản thân hay thậm chí là muốn xóa bỏ cơ thể mình.
Nếu bạn đang cảm thấy mình thật sự đã bị lạc lõng ở một tinh hà xa xôi nào đó quá lâu rồi, vậy lời khuyên chân thành nhất chính là tìm kiếm ngay lời chú giải: Lắng nghe cơ thể.
Cuốn sách được viết bởi James Hamblin – một bác sĩ y học dự phòng, một giảng viên tại trường Y tế công cộng và hiện nay là một cây bút của tạp chí The Atlantic. Độ dày 410 trang phần nào khẳng định hàm lượng lớn kiến thức mà tác giả muốn truyền tải và bàn luận đến. Nhưng hỡi những mọt sách chân chính! Sẽ thật sai lầm nếu bạn đang đón nhận cuốn sách với tâm thế dửng dưng, như đang đi trên lộ trình của một quyển sách giáo khoa thông thường. Hãy lật ngay đến những trang mục lục đầu tiên của tác phẩm để xem James Hamblin đã diễn tiến hành trình Lắng nghe cơ thể bằng những câu hỏi “trên trời rơi xuống” và đầy lý thú như thế nào: Làm sao để biết rằng tôi có xinh đẹp không? (đã đôi lần ta tự hỏi như vậy khi nhìn mình trong gương) Tôi có thể bỏ lông mi của mình đi không?(đó là khi ta cảm nhận những người mẫu trên sàn diễn catwalk đầy khí chất với phần lông mi như biến mất) Tôi có thể ngừng đeo kính nếu ăn đủ cà rốt không? (thực phẩm ăn uống phải chăng chính là liều thuốc vạn năng) Tại sao tôi thèm đồ ăn khủng khiếp vào ban đêm? (hóa ra điều này cũng thuộc vấn đề sức khỏe, chứ không hoàn toàn là sự bồng bột cá nhân)…
James Hamblin không đơn giản biến công việc viết lách đi vào ngõ cụt văn chương sáo mòn. Khối óc hài hước và tinh anh của một cây bút chuyên nghiệp giúp tác giả phát hiện vấn đề ở những góc cạnh độc đáo. Phạm trù sức khỏe cơ thể bao quát rộng rãi đến những quan niệm triết lý nhân sinh sâu sắc. Con người những lúc đau khổ nhất vẫn thường ngẩng mặt lên trời xanh mà cảm thán về số mệnh bất hạnh và không công bằng. Nhưng hóa ra những hỷ, nộ, ái, ố cũng đều do cách ta cảm nhận, bộc phát ra mà thôi! Ý nghĩa đời người nằm ở cách ta lựa chọn và những gì mà ta để lại.
Lắng nghe cơ thể để thấu hiểu hơn về sự sống diệu kỳ này. Lắng nghe cơ thể để biết được sự tồn tại cá nhân được gây dựng nên từ những cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ.
Và, ngay lúc này đây, ta vẫn đang sống, và ta hạnh phúc vì điều đó.
Một thế giới y học được mở ra với vô vàn kiến thức và những kinh nghiệm thực tế. Đó sẽ là những gì được khẳng định chắc chắn trong giá trị nội dung mà cuốn sách mang đến. James Hamblin với lối viết cẩn trọng, uyên sâu nhưng cũng không kém phần châm biếm, hóm hỉnh, đã thành công trong việc truyền tải một hàm lượng lớn tri thức đến người đọc theo cách ấn tượng và độc đáo nhất có thể. Nguyên tắc quan trọng khi chăm sóc và bảo vệ cơ thể, đó là phải nắm được chức năng sinh học của nó. Điều này được hình dung như nền móng ban đầu để gây dựng nên cấu trúc hoàn chỉnh cơ thể người. Một thế giới sống liên kết chặt chẽ được tổng hòa đầy đủ bên trong cuốn sách: đi từ diện mạo bên ngoài đến các cơ quan cảm giác, cơ quan nuôi dưỡng, những bộ phận đảm bảo nước và cuối cùng là các bộ phận sinh dục. James Hamblin đã kịch liệt phân tích và châm biếm sâu sắc một thực tế đáng lo ngại, đó là sự lan truyền mạnh mẽ những “trò giễu cợt về kiến thức”, xuất phát từ các chiêu trò truyền thông, marketing quá mức trong ngành công nghiệp dược phẩm. Các bài viết cũng là cách James Hamblin đập tan những hệ lụy kiến thức sai lầm xuất phát từ tâm lý tiếp nhận dễ dãi của số đông bấy lâu nay, như: Có thể ngừng đeo kính nếu ăn đủ cà rốt cũng như bổ sung đủ lượng vitamin A không? Thực sự uống vitamin C có thể sẽ ngăn ngừa được cảm cúm không?…
Chúng ta hiểu về sự sống này được bao nhiêu?
Việc tìm hiểu đầy đủ các bộ phận chức năng bên trong con người để ta thấy được bản chất cơ thể vốn dĩ không hoàn chỉnh, với đời sống của hàng tỷ tỷ vi khuẩn xen lẫn ADN. Sự sống loài người đã ẩn chứa trong đó nguyên lý của tự hủy diệt. Khối óc hài hước và đầy thông minh giúp tác giả nhìn tường tận sâu vào bản thể bên trong mỗi hoạt động, để từ đó đúc kết nên những hàm ngôn không thể ấn tượng hơn: “Hình xăm thể hiện sự thách thức và tính cá nhân những bản chất cũng là sự đầu hàng”, “Gãi là một trong số ít những trường hợp mà chúng ta tự gây thương tích cho bản thân và thấy dễ chịu”,…
Trong xã hội hiện đại, chúng ta không ngần ngại khi cho rằng cơ thể người đang dần hợp nhất với công nghệ. Quả thật vậy! Vai trò của một cây bút tạp chí truyền động lực khả năng để James Hamblin có thể đón tắt đi đầu những xu hướng, quan niệm mới mẻ liên quan đến y học, trong đó sự can thiệp của công nghệ là sâu sắc và đáng kể nhất. Nếu như trước đây, những chi tiết huyền ảo như thuốc cải tử hoàn sinh, thuật biến người hay cả các nhân vật huyền thoại như siêu nhân, rô-bốt,… chỉ xuất hiện trong thần thoại huyễn tưởng, thì những sáng chế mới mẻ của công nghệ hiện đại nắm chắc khả năng biến mọi thứ trở thành hiện thực. Con người đang tự chủ động quyết định sự tồn tại của mình: sử dụng các liệu pháp y khoa hiện đại cứu cơ thể qua khỏi cơn thập tử nhất sinh, phẫu thuật thẩm mỹ thay đổi diện mạo bên ngoài,… Những kính áp tròng, điện thoại thông minh, dần dần gắn bó như những bộ phận cơ thể không thể tách rời.
Vậy rốt cuộc sự tồn tại loài người có ý nghĩa gì?
Cơ thể người chịu tác động trong mối quan hệ xã hội quần sinh. “Bộ phận cơ thể có ý nghĩa chỉ trong tổng thể một con người, con người chỉ có ý nghĩa trong cộng đồng”. Những tìm hiểu đi từ giới hạn phạm trù cơ thể người, mở rộng đến các phạm trù xã hội, triết lý nhân sinh. Bản thân chúng ta đã đôi lần tự trách cuộc đời này đối xử với mình không công bằng: khi sắc đẹp không được ai đón nhận, khi bản thân mắc phải những khiếm khuyết dị tật bẩm sinh, những chứng bệnh không báo trước tương lai,… Chúng ta mãi than phiền về sự hạn hữu, yếu kém của cuộc đời mình khi đem so với người khác. Số mệnh mà ta vẫn hay gọi tên, phải chăng chính là xã hội này, chính là tâm thái nặng nề của mỗi cá nhân khi đón nhận sự đánh giá và phán xét theo quy chuẩn bên ngoài. Từ đó, dẫn đến cách chúng ta phủ nhận giá trị tồn tại của bản thân, đẩy mọi thứ lao vào vòng quẩn quanh bi kịch. Phong trào núm vú được tác giả nhắc đến trong cuốn sách như biểu hiện của một sự vùng dậy mạnh mẽ, đòi lại công bằng chính đáng cho giá trị tồn tại loài người.
Sự thật, ý nghĩa cuộc sống này phải chăng thu gọn lại trong thái độ trân trọng của bản thân đối với tự do cá nhân và những gì mà ta để lại cho mai sau?
Bạn có thể hạnh phúc hơn. Bạn còn sống.
Một câu nói trích dẫn từ Lắng nghe cơ thể mà người viết muốn đưa vào đây để khép lại bài viết. Sự sống thật đơn giản nhưng tại sao con người luôn muốn phức tạp lấy nó. Nếu tiếng cười và tình yêu thương thực sự là những viên thuốc có sẵn, vậy tại sao chúng ta không lựa chọn nó, để từng ngày từng ngày bù đắp vào thế giới sống luôn đầy những khiếm khuyết này.
Hồ Sương